Sau phiên tích lũy, VN-Index bật tăng áp sát mốc 1.380 điểm
Vượt qua kỳ vọng đi ngang tại vùng 1.375 điểm, VN-Index có một phiên giao dịch bứt phá. Sau những dấu hiệu tích cực của thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện quan điểm "diều hâu", VN-Index có thời điểm tăng hơn 12 điểm trong phiên hôm qua (22/6).
Kết phiên 22/6, VN-Index tăng 7,34 điểm (0,53%) lên vùng đỉnh mới 1.379,97 điểm. HNX-Index cũng tăng 0,27% lên 317,09 điểm, UPCoM-Index tăng 0,43% đóng cửa ở 90,1 điểm. Thanh khoản toàn sàn lấy lại 2,6% giá trị so với phiên trước, đạt 27.963 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 22.142 tỷ đồng. Độ rộng thị trường được cải thiện với 189 mã tăng và 204 mã giảm điểm.
Thống kê giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. (Nguồn: FiinPro).
Thống kê theo nhóm nhà đầu tư, có sự biến động nhẹ trong cán cân mua - bán ròng. NĐT tổ chức trong nước là nhóm bán ròng duy nhất với giá trị khớp lệnh 188 tỷ đồng. Lực bán ròng nhóm này tập trung tại ngành bất động sản và ngân hàng.
Ở chiều giao dịch còn lại, khối ngoại, tự doanh và các cá nhân trong nước đồng loạt mua ròng. Tương quan giữa chiều mua – bán là không quá chênh lệch. Khối ngoại mua ròng 57 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, còn tự doanh và các NĐT cá nhân theo sát nhau với giá trị vào ròng lần lượt 139 tỷ đồng và 132 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng quay trở lại đường đua và lọt top dẫn dắt thị trường. Thống kê top cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến chỉ số VN-Index, có tới 6/10 đại diện đến từ ngành ngân hàng bao gồm CTG (tăng 3,18%), MBB (3,32%), VCB (0,94%), ACB (2,59%), TCB (0,99%) và HDB (2,08%). Nhóm này đóng góp tới 5,08 điểm cho đà tăng của VN-Index.
Dòng tiền tiếp tục gom nhóm ngân hàng, bất động sản
Giao dịch khớp lệnh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).
Tuy duy trì vị thế mua ròng, dòng tiền mua của NĐT cá nhân chỉ tập trung tại 8/18 ngành. Bất động sản tiếp tục dẫn đầu với 220 tỷ đồng giá trị vào ròng. Dòng tiền duy trì tại nhóm ngân hàng khi các cá nhân trong nước vào ròng 149,5 tỷ đồng. Đây là hai nhóm duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng 3 chữ số phiên 22/6.
Ở chiều ngược lại, các cá nhân bán ròng 10/18 ngành. Tài nguyên cơ bản (thép) là nhóm bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 132,8 tỷ đồng. Động thái này khá đối ứng với việc mua ròng HPG từ NĐT nước ngoài.
FLC dẫn dắt chiều mua, HPG bất ngờ đứng đầu top bán ròng
Với giá trị vào ròng 138,9 tỷ đồng, FLC là cổ phiếu đứng đầu trong danh mục mua ròng của NĐT cá nhân phiên 22/6. Đây cũng là mã duy nhất với giá trị vào ròng trên 100 tỷ đồng. Thống kê từ đầu năm, thị giá FLC đã tăng 219,78%, từ giá 4.550 đồng và đóng cửa phiên 22/6 tại 14.550 đồng/cp.
Top cổ phiếu được NĐT cá nhân mua bán ròng mạnh nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).
Theo thông tin ghi nhận trong phiên sáng 22/6, ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch Bamboo Airways đã dùng ít nhất 167,5 triệu cổ phần Bamboo Airways (mã: BAV) để đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB). Với mức giá xử lý 8.500 đồng/cp, ước tính khối tài sản này được định giá 1.423,75 tỷ đồng.
Theo sau FLC, một số gương mặt đại diện cho ngành bất động sản cũng tập trung sức mua lớn là bộ đôi họ Vingroup - VRE (50,2 tỷ đồng) và VIC (28 tỷ đồng). Mã FCN của CTCP FECON tuy đóng cửa giảm tới 3,15% nhưng vẫn được các cá nhân trong nước mua ròng 24,7 tỷ đồng.
Sau thời gian chuyển hướng, dòng tiền NĐT cá nhân mua ròng cổ phiếu ngân hàng trong hai phiên gần đây với CTG (78,2 tỷ đồng), VPB (72,7 tỷ đồng), MBB (63,3 tỷ đồng). BID (BIDV) theo sau với 19,3 tỷ đồng.
Hai gương mặt còn lại trong top 10 mã mua ròng khớp lệnh nhiều nhất là đại diện GEX của nhóm thiết bị điện (55,5 tỷ đồng) và DPR của họ cao su (15,8 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, HPG bất ngờ góp mặt trong top bán ròng của NĐT cá nhân. Giá trị rút ròng được ghi nhận qua kênh khớp lệnh lên tới 127,6 tỷ đồng. Đối ứng với FLC, HPG trở thành đại diện duy nhất ở chiều bán với giá trị rút ròng trên 100 tỷ đồng. Lực xả này được hấp thụ chủ yếu bởi các NĐT nước ngoài.
Đáng chú ý, đây là lần đâu tiên khối ngoại đảo chiều mua ròng cổ phiếu HPG sau 8 phiên liên tiếp bán ròng. Tính từ đầu năm 2021, HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất toàn sàn với tổng mức bán ròng lên tới 12.622 tỷ đồng.
Không còn tập trung tại một nhóm cổ phiếu nhất định, dòng tiền bán của các cá nhân dàn trải tại các ngành điện, nước & xăng dầu khí đốt, dịch vụ tài chính, bán lẻ. Những đại diện bán ròng nhiều nhất lần lượt là GAS (46,2 tỷ đồng), GMD (40,4 tỷ đồng), PLX (24,4 tỷ đồng), HCM (21,1 tỷ đồng), VNM (18,6 tỷ đồng) và MWG (18,5 tỷ đồng).
Mặc dù nằm trong nhóm giao dịch "nóng", HDB (50,2 tỷ đồng), VCB (43,1 tỷ đồng), TCB (34,1 tỷ đồng) của ngành ngân hàng cũng ghi nhận giá trị bán ròng lớn trong phiên.