Tại Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương - cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí, truyền thông về các lĩnh vực của ngành Công Thương quản lý.
Thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông về các giải pháp để ổn định xuất khẩu, sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 của Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, đầu năm 2020, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh. Theo đó, Chương trình hành động đã giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị trong Bộ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Bà Nguyễn Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tại cuộc họp
Dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2002 song hoạt động của ngành Công Thương năm 2020 vẫn đạt kết quả khả quan, tất cả các lĩnh vực đều có tăng trưởng, đặc biệt, xuất khẩu tăng trưởng mức cao (7%), hoàn thành kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục bám sát nhiệm vụ tại Chương trình hành động đã ban hành từ năm 2020 và bổ sung các nhiệm vụ mới, phù hợp với tình hình mới, trong đó, tập trung một số nhiệm vụ cốt lõi như sau:
Tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, bám sát kịch bản phát triển của Ngành để có giải pháp ứng phó phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang xảy ra.
Theo dõi sát sao tình hình sản xuất công nghiệp, cung cầu hàng hoá thiết yếu để có biện pháp chỉ đạo điều tiết sản xuất và kinh doanh phù hợp tình hình mới.
Tổ chức tốt hệ thống phân phối vừa đáp ứng nhu cầu người dân, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân và thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh triển khai các phương thức kinh doanh mới nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá trên cả nước.
Hướng dẫn doanh nghiệp khai thác tốt các thị trường có FTA, đặc biệt ưu tiên xúc tiến thương mại vào các thị trường xuất khẩu đã có sự khôi phục sau dịch bằng các hình thức xúc tiến thương mại mới.
Phối hợp các cơ quan chức năng tạo điều điều kiện giúp các doanh nghiệp lưu thông hàng hoá tốt nhất, giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh…
Sản xuất công nghiệp tháng 02/2021 ước tính giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng Hai năm nay ít hơn 8 ngày và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tháng 01/2021 tăng khá so với tháng 01/2020 (tăng 22,5%) nên tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2021 ước tính giảm 21,1% so với tháng trước và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 18,5% và giảm 23%; ngành chế biến, chế tạo giảm 23,1% và giảm 5,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,8% và giảm 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,7% và tăng 0,1%.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.