Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/3 tuyên bố Covid-19 là đại dịch, trong bối cảnh dịch bệnh đã xuất hiện tại gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 134.000 ca nhiễm và gần 5.000 trường hợp tử vong. Sau khi hoành hành tại Trung Quốc, Covid-19 giờ đây diễn biến phức tạp ở Mỹ và châu Âu và một số nước châu Á khác.
Nguồn: Tuổi trẻ
Nguồn: Tuổi trẻ
Italy: 15.113 người nhiễm 1.016 ca tử vong
Số liệu chính thức được công bố lúc 18h ngày 12/3 (giờ Ý) tức 0h ngày 13/3 (giờ VN) cho thấy trong ngày 12/3 đã ghi nhận thêm 189 ca tử vong tại Ý, nâng tổng số người chết vì dịch COVID-19 lên 1.016.
Số ca nhiễm mới trong ngày là 2.651 trường hợp, tăng hơn 300 trường hợp so với một ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2) là 15.113.
Nguồn: Tuổi trẻ
Trong đó 1.258 người đã được chữa khỏi và cho xuất viện, cộng thêm số ca đã tử vong nên số ca nhiễm hiện đang điều trị của Ý chỉ còn 12.839 trường hợp.
Chính phủ Italy tuyên bố các biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có ở một nước phương Tây thời hiện đại. Cả nước bị phong tỏa, giới hạn đi lại cho đến ngày 3/4. Đám cưới, đám tang đều bị cấm.
Khu vực phong tỏa được gọi là "vùng đỏ" ban đầu chỉ giới hạn ở vùng Lombardy, nay mở rộng ra cả nước.
Italy phải làm vậy vì virus corona đang khiến hệ thống y tế nước này quá tải, đặc biệt ở vùng Lombardy miền bắc. Hơn 80% giường bệnh ở vùng này đang được dành cho các bệnh nhân virus corona.
Argentina ban bố tình trạng khẩn cấp y tế
Chính phủ Argentina đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế, ngừng cấp thị thực cho công dân của các nước đang có sự bùng phát mạnh của SARS-CoV-2 gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Anh và tất cả các nước trong khối Schengen.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trong tình trạng khẩn cấp, các cơ sở y tế Argentina sẽ phân phối thuốc điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 miễn phí, được phép mua trang thiết bị trực tiếp và thuê nhân sự một cách linh hoạt.
Đến nay tổng số ca nhiễm tại Argentina lên 31 người.
Số ca nhiễm, tử vong tại Trung Quốc giảm còn một con số
Trung Quốc chỉ có thêm 8 ca nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2) trong ngày 12-3, giảm so với 15 ca trong ngày 11-3, và thêm 7 ca tử vong. Như vậy, tổng cố ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục tính đến nay là 80.813 ca và 3.176 ca tử vong.
Riêng tại Hồ Bắc, số ca nhiễm mới trong ngày 12-3 cũng giảm còn năm ca so với tám ca của ngày 11-3. Số ca tử vong tại tỉnh này cũng giảm từ 10 ca của ngày 11-3 xuống còn 6 ca trong ngày 12-3.
Hàn Quốc: Số ca nhiễm mới thấp hơn số người khỏi bệnh
Hàn Quốc ghi nhận 110 ca nhiễm nCoV mới, giảm nhẹ so với hôm qua và thấp nhất trong hai tuần, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.979.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng nay cho biết trong số 110 ca nhiễm mới có 61 ca được ghi nhận tại thành phố Daegu và 4 ca tại tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận.
Số ca nhiễm nCoV tại thành phố Daegu tới nay là 5.928, còn số ca tại tỉnh Bắc Gyeongsang là 1.147. Thủ đô Seoul ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới.
Thêm 7 người tử vong vì nCoV ở Hàn Quốc, nâng tổng số người chết lên 67. Phần lớn các ca tử vong là bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền.
Úc hủy giải đua F1 Melbourne Grand Prix
Thủ hiến bang Victoria của Úc Daniel Andrews sáng 13-3 thông báo cuộc đua F1 phải hủy bỏ do COVID-19. Giải đua này dự kiến diễn ra tại thành phố Melbourne từ ngày 13 đến 15-3.
Ban tổ chức giải cho biết đã phải rất khó khăn để đưa ra quyết định này. Trước đó ngày 11-3 khi di chuyển tới Úc, 3 thành viên của hai đội đua Hass và McLaren đã phải cách ly do có các triệu chứng của bệnh COVID-19. Sau khi có kết quả xét nghiệm, thành viên của đội đua McLaren được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2, do đó đội đua này đã chính thức tuyên bố rút khỏi cuộc đua.
Ban tổ chức Premier League ngày 13-3 thông báo HLV Mikel Arteta (Arsenal) bị dương tính với COVID-19 và trận đấu giữa Arsenal với Brighton vào cuối tuần này sẽ bị tạm hoãn.
Nhiều nước châu Âu đóng cửa trường học
Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ ngày 12-3 đã đồng loạt yêu cầu đóng cửa các trường học tại nước này trong bối cảnh dịch COVID-19 tại châu Âu đang lan nhanh.
Tại Bỉ, chính phủ nước này đã ra lệnh các quán cà phê, nhà hàng và trường học tạm thời đóng cửa từ 0h ngày 13-3 (giờ địa phương) đến hết ngày 3-4. Chính phủ Bỉ khẳng định sẽ không có phong tỏa và cấm giao thương buôn bán. Các siêu thị và nhà thuốc vẫn sẽ mở cửa hoạt động trong thời gian này.
"Chúng tôi muốn tránh giống như Ý và sẽ tránh chuyện phong tỏa", Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cam kết.
Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa thông báo đóng cửa tất cả các trường học cho tới 9-4-2020. Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới hơn 1,6 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc.
Đến nay Bồ Đào Nha đã ghi nhận 78 ca nhiễm COVID-19. Nhà chức trách nước này đã ra lệnh hoãn các sự kiện tập trung hơn 1.000 người trong không gian kín và hơn 5.000 người tại các không gian mở trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
New York cấm tụ tập trên 500 người
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 12-3 (giờ Mỹ) thông báo bang này sẽ cấm các sự kiện, địa điểm có từ 500 người trở lên trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của SARS-CoV-2.
Ông Cuomo giải thích cụ thể hơn rằng lệnh cấm này chỉ áp dụng cho các "không gian hội nghị". Ví dụ một tòa nhà văn phòng có sức chứa khoảng 500 người sẽ không phải tuân theo quy định hạn chế nhưng một văn phòng với không gian mở và chứa được 500 người sẽ phải tuân thủ.
Thống đốc New York không nói lệnh cấm sẽ được duy trì trong bao lâu nhưng cho biết nó sẽ được điều chỉnh mỗi ngày dựa trên tình hình thực tế.
Trong khi đó tại bang láng giềng New Jersey, Thống đốc Phil Murphy đề nghị hủy bỏ tất cả các cuộc tụ tập có từ 250 người trở lên, theo Hãng tin Reuters.
Trung Quốc gửi 1,8 triệu khẩu trang cho Ý và Tây Ban Nha
Đại sứ quán Trung Quốc tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 12/3 phát đi thông cáo cho biết Trung Quốc đã gửi một lô hàng viện trợ gồm 1,8 triệu khẩu trang cho Ý và Tây Ban Nha. Một nguồn tin của Reuters trong chính phủ Tây Ban Nha tiết lộ Bắc Kinh đã chủ động đề nghị hỗ trợ Madrid chống dịch COVID-19.
Xứ sở bò tót bắt đầu nâng cao cảnh giác trong những ngày gần đây khi yêu cầu đóng cửa trường học, tạm ngừng họp quốc hội sau khi một bộ trưởng của nước này dương tính với SARS-CoV-2.
Chứng khoán Mỹ rớt giá kỷ lục
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua, phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư trong mùa dịch COVID-19.
Chỉ số Dow Jones đã mất 2.350 điểm, tương đương 10%, xuống còn 21.200,62 điểm. Chỉ số S & P 500 cũng giảm 9,5% xuống còn 2.480,64, trong khi chỉ số Nasdaq công nghệ giảm 9,4% xuống còn 7.201,80.
Triển vọng ảm đạm cho các hãng hàng không cũng một lần nữa đè nặng lên Boeing. Cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm tới 18% trong phiên giao dịch ngày 12-3, trở thành "người thua cuộc" lớn nhất trong ngày giao dịch.
Diễn biến mới nhất về dịch COVID-19 tại Việt Nam
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, số trường hợp mắc COVID-19 tại Việt Nam hiện là 44. Trong đó, 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam hiện nay gồm có:
* 01 phụ nữ 26 tuổi tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020 (BN17).
* 01 nam giới 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020 (BN18)
* 02 người tiếp xúc gần với bệnh nhân BN17 đã xác định mắc COVID-19 ngày 6/3 (BN19, BN20).
* 01 nam giới 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với BN17 (BN21).
* 09 người là hành khách nước ngoài cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam ngày 2/3/2020, cụ thể:
- BN22: 60 tuổi, quốc tịch Anh; BN23: 66 tuổi, quốc tịch Anh; BN24: 58 tuổi, quốc tịch Anh; BN25: 70 tuổi, quốc tịch Anh; BN26: 50 tuổi, quốc tịch Ireland; BN27: 67 tuổi, quốc tịch Anh; BN28: 74 tuổi, quốc tịch Anh; BN29: 58 tuổi, quốc tịch Anh; BN30: nữ 66 tuổi, quốc tịch Anh;
* 01 nam giới 49 tuổi, quốc tịch Anh cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam ngày 2/3/2020 (BN31)
* 01 phụ nữ 24 tuổi sống tại Anh, quốc tịch Việt Nam, có tiếp xúc với BN17 hôm 27/2 tại Anh, đã trở về Việt Nam ngày 9/3/2020 (BN32).
*01 nam giới 58 tuổi, quốc tịch Anh, là hành khách cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam (BN33).
* 01 phụ nữ 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, khởi hành từ Washington DC (Mỹ) về Việt Nam, quá cảnh tại sân bay Quốc tế Doha (Qatar) và sáng ngày 2/3/2020 nhập cảnh vào Việt Nam. (BN34)
* 01 phụ nữ 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ngày 4/3/2020 có tiếp xúc trực tiếp với hai người Anh (sau này xác định là BN22 và BN23) tại siêu thị Điện máy Xanh ở Đà Nẵng. (BN35)
* 03 người ở Bình Thuận có tiếp xúc gần với BN34 đã được xác định mắc COVID-19 ngày 10/3/2020 (BN36, BN37, BN38).
* 01 nam giới 25 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch cư trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), có tiếp xúc với BN24 khi dẫn đoàn khách nước ngoài đi du lịch tại tỉnh Ninh Bình (BN39).
* 03 người quê tỉnh Bình Thuận, trong đó có bệnh nhi 02 tuổi có tiếp xúc gần với BN34 (BN40: nữ 02 tuổi, BN41: nam 59 tuổi , BN42: nam 28 tuổi)
* 01 phụ nữ, 47 tuổi, quê Bình Thuận tiếp xúc gần với BN38 (BN43)
* 01 bệnh nhân nam, 13 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận, tiếp xúc gần với BN37 (BN44)
Ca bệnh Covid-19 thứ 45 ở Việt Nam là một nữ tiếp viên hàng không 30 tuổi, phục vụ trên chuyến bay từ London (Anh) về Hà Nội lúc 5 giờ sáng 9-3. Trước đó, chuyến bay VN0054 về Việt Nam ngày 2-3 vừa qua đã có 13 ca CoVid-19, trong đó có 2 ca 17 và 21. Đến ngày 11-3, tiếp viên này được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2), đến ngày 12-3 phát hiện đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Như vậy, kể từ ngày 6-3, khi ghi nhận ca bệnh Covid-19 thứ 17, chỉ trong vòng 7 ngày qua, Việt Nam đã có thêm 29 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp này đang được điều trị cách ly tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, không có bệnh nhân nào phải thở máy.
Công tác phòng, chống dịch của Bộ Công Thương
Bộ Công thương yêu cầu chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong 6 tháng đầu năm đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước định giá, trong đó có giá điện.
Ngày 11-3, Bộ Công thương tiếp tục ban hành chỉ thị thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước những diến biến mới của dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt, thường xuyên, liên tục các nội dung công việc thuộc bộ, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, phải có phương án ứng phó mọi tình huống.
Bộ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, đặc biệt là địa phương có dịch.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, tập trung mặt hàng phòng chống dịch, nhu yếu phẩm.
Rà soát tất cả chương trình, kế hoạch để xem xét, tạm hoãn tất cả các chuyến công tác nước ngoài, không cử cán bộ đi học tập, trao đổi, công tác nước ngoài trong thời điểm hiện tại, trừ các sự kiện đặc biệt hoặc hội nghị quan trọng phải báo cáo và được Thủ tướng đồng ý. Bộ cũng sẽ hạn chế, tạm hoãn các cuộc họp không cấp bách, tăng họp trực tuyến.
Bộ Công thương yêu cầu chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý 1 và 2-2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá. Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, trước 15-3, Vụ Tài chính và đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công thương) phải gởi Bộ Tài chính các phương án cắt giảm phí, lệ phí đối với các thành phần chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý để tổng hợp xử lý chung.
Mặt khác, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3-2020, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA).
Với các dự án công nghiệp quy mô lớn, Bộ Công thương cũng yêu cầu tập trung các cơ quan liên quan chỉ đạo sớm hoàn thành, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Nhiệt điện Long Phú I, dự án Nhiệt điện Sông Hậu I và các dự án điện, khí, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 204 theo hướng xử lý theo thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo không được để thiếu điện cho sản xuất và đời sống trong giai đoạn 2021 - 2025.