Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình xuất khẩu thời gian qua và các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó Bộ này đưa ra những phân tích khá kỹ lưỡng về các rủi ro, thách thức mà xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đối mặt thời gian tới.
Cụ thể, thương mại toàn cầu năm 2021 hiện còn ảm đạm và vẫn khó dự đoán, phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19 và việc triển khai tiêm vắc xin phòng chống Covid-19. Ngoài ra, xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn âm ỉ, diễn biến khó lường sẽ tiếp tục có tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện ngày càng rõ ràng hơn trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến nay. Biểu hiện cụ thể là số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng tăng.
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, nhận thức của người tiêu dùng cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Ví dụ điển hình được đưa ra là Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...
Về mặt giá cả, giá hàng hóa tăng mạnh làm nhập khẩu có xu hướng tăng. Đầu tháng 5/2021, giá quặng sắt kỳ hạn đạt mức kỷ lục 233,1 USD/tấn. Mức giá này cao hơn đáng kể so với mức trung bình 160 USD/tấn vào đầu năm và gấp đôi mức cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường nông sản, giá ngô, đậu tương và lúa mì đều tăng do hoạt động mua mạnh. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới đã tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều bất ổn, nhưng cả năm Việt Nam vẫn sẽ xuất siêu khoảng 2 tỷ USD

Một yếu tố đáng chú ý đuợc Bộ Công Thương nhắc tới là giá cước vận chuyển quốc tế bằng đường biển tăng cao kéo dài từ quý 4/2020 đến nay. Cụ thể, các tuyến châu Á tăng 3-4 lần, các tuyến châu Phi tăng 3-4 lần, các tuyến châu Âu tăng 5-6 lần, thậm chí có những thời điểm tăng 7-8 lần. Trong khi đó, tình trạng thiếu vỏ container vẫn còn tiếp diễn.
Ngoài khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương cho rằng, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Trên cơ sở những phân tích, nhận định về cơ hội thuận lợi và khó khăn thách thức năm 2021, Bộ Công Thương đánh giá trong trường hợp các yếu tố tác động ở mức như hiện tại hoặc thuận lợi hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt khoảng 308 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020.
Về nhập khẩu, căn cứ tiến độ nhập khẩu trong những tháng đầu năm, khả năng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 306 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức khoảng 2 tỷ USD.
Thời gian tới để thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khai thác và tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Tòan diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Duơng (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)...
Về xuất khẩu bền vững trong dài lâu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, xuất khẩu bền vững được thể hiện qua các yếu tố như: Quy mô xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tính ổn định trong tăng trưởng xuất khẩu… Quan trọng nhất là xuất khẩu nhưng không đánh đổi những vấn đề về lao động, môi trường. Xuất khẩu phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại.
"Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này”, ông Trần Thanh Hải nói.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
 

Nguồn: haiquanonline.com.vn