Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn giữ đà phát triển, số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây[1]. Đáng lưu ý là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa cải thiện nhiều, tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015-2019[2].
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2019 theo giá hiện hành ước tính đạt 556,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 3,7%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2019, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.378,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,3% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 426,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tổng vốn và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,3% và tăng 16,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 327,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7% và tăng 8,4%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 224 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% kế hoạch năm và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 60,7% và tăng 11,4%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 29,9 nghìn tỷ đồng, bằng 50,1% kế hoạch năm và giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 194,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% kế hoạch năm và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 130,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,8% kế hoạch năm và tăng 7,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 53,5 nghìn tỷ đồng, bằng 66,5% và tăng 18,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 10,1 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% và tăng 18,2%.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2019 thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.789,8 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm nay đạt 15.763,2 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng còn có 6.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,4 tỷ USD, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 1.348 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 6,34 tỷ USD và 5.154 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,06 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 8.139,3 triệu USD, chiếm 74,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.183,7 triệu USD, chiếm 10,8%; các ngành còn lại đạt 1.650,4 triệu USD, chiếm 15%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng đạt 12.385,3 triệu USD, chiếm 78,6% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.062,6 triệu USD, chiếm 6,7%; các ngành còn lại đạt 2.315,3 triệu USD, chiếm 14,7%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.704,4 triệu USD, chiếm 54,8% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.705,6 triệu USD, chiếm 16,4%; các ngành còn lại đạt 2.991,2 triệu USD, chiếm 28,8%.
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2.095,8 triệu USD, chiếm 19,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 2.023,8 triệu USD, chiếm 18,4%; Nhật Bản 1.582,3 triệu USD, chiếm 14,4%; Singapore 1.465 triệu USD, chiếm 13,4%; Đặc khu Hành chính Hongkong (TQ) 1.251,4 triệu USD, chiếm 11,4%; Xa-moa 472,3 triệu USD, chiếm 4,3%; Thái Lan 441,4 triệu USD, chiếm 4%; Đài Loan (TQ) 433,4 triệu USD, chiếm 3,9%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 367,4 triệu USD, chiếm 3,3%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm nay có 117 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 307,7 triệu USD; 27 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 124 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 9 tháng năm 2019 đạt 431,7 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 110,6 triệu USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 83,4 triệu USD, chiếm 19,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 64,1 triệu USD, chiếm 14,9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 56,9 triệu USD, chiếm 13,2%. Trong 9 tháng có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Australia nước dẫn đầu với 140,6 triệu USD , chiếm 32,6% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ 59,9 triệu USD, chiếm 13,87%; Tây Ban Nha 59,8 triệu USD, chiếm 13,86%; Campuchia 50,6 triệu USD, chiếm 11,7%; Singapore 35,6 triệu USD, chiếm 8,2%.
Ghi chú:
[1] Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 9,8 tỷ USD; 11 tỷ USD; 12,5 tỷ USD; 13,3 tỷ USD; 14,2 tỷ USD.
[2] Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 9 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 8,1%; năm 2016 là 13,1%; năm 2017 là 6,6%; năm 2018 là 11,4%; năm 2019 là 4,8%.
Nguồn: VITIC