Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.160 VND/USD (không đổi so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.770 đồng/USD và bán ra 23.850 đồng/USD, giá mua và giá bán cùng giảm 130 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 17/5/2022
ĐVT: VND/USD

Tỷ giá USD ngày 17/5/2022 tại các ngân hàng Thương mại tăng

USD thế giới giảm nhẹ
USD Index hiện ở mức 104,11 theo ghi nhận lúc 6h50 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,14% lên mức 1,0448. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,07% ở mức 1,2330. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,13% ở mức 128,98.
Theo Investing, đồng USD bắt đầu tuần mới giảm nhẹ khi các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng toàn cầu trước dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc hôm qua. Hoạt động bán lẻ của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 4 do phong tỏa vì dịch COVID-19 trên diện rộng.
Bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của HSBC cho biết, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, sự gián đoạn nguồn cung khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt thắt chặt chính sách khiến USD sẽ mạnh lên trong thời gian dài.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự đoán đồng euro sẽ giảm xuống ngang bằng với đồng USD trong năm tới do tăng trưởng yếu hơn nhiều và lạm phát cao hơn khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phải đối mặt với thách thức lớn về chính sách. Nhà hoạch định chính sách của ECB Francois Villeroy de Galhau cũng nhận định sự suy yếu của đồng tiền chung có thể đe dọa nỗ lực của ECB trong việc điều hướng mục tiêu lạm phát.
Goldman Sachs đã thể hiện sự lo ngại về tăng trưởng của Mỹ trong năm nay khi ngân hàng này điều chỉnh giảm dự báo, kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay và 1,6% vào năm 2023, giảm so với lần lượt 2,6% và 2,2% trước đó. Thêm vào đó là những dấu hiệu về suy thoái từ dữ liệu đáng thất vọng của Trung Quốc cho thấy những thiệt hại sâu sắc mà COVID-19 đang gây ra cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích tại ING cho rằng những lo ngại của thị trường trước sự thắt chặt tiền tệ của Fed và dự kiến suy thoái toàn cầu sẽ tiếp tục gây tranh cãi vì sự biến động của các tài sản rủi ro. Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc mua đồng USD hơn.
Đồng đô la Úc, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đã đảo ngược hướng đi trong ngày và cuối cùng đã tăng so với USD, sau thông tin về sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc và các lệnh phong tỏa COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm, càng tăng thêm lo ngại về sự phục hồi chậm lại trong quý II.
Công cụ Fedwatch của CME cho rằng thị trường đang định giá tăng 50 điểm cơ bản tại hai cuộc họp tiếp theo của Fed. Các chuyên gia nhận định không có nhiều tín hiệu cho việc này do sự không chắc chắn về lạm phát, nhưng họ dường như đã chuẩn bị đưa ra những lời nhẹ nhàng để loại trừ việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Đồng bảng Anh đã bị thiệt hại cùng với đồng euro khi đã giảm xuống mức thấp nhất vào tuần trước do ảnh hưởng bởi số liệu GDP quý đầu năm thấp hơn dự kiến. Trong tuần, Anh sẽ cập nhật dữ liệu thị trường lao động, dữ liệu lạm phát và niềm tin người tiêu dùng. Ngày 18/5, dữ liệu lạm phát được công bố dự kiến sẽ cho thấy giá tiêu dùng tăng vọt lên 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1980 và là tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ đó.
Đồng yen Nhật hiện ổn định hơn một chút, sau khi phục hồi từ mức trên 130. Do lợi suất giảm ở Nhật Bản, đồng yen dễ bị ảnh hưởng bởi lợi suất cao hơn của Mỹ nhưng lo ngại về tăng trưởng toàn cầu đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dừng tăng.

Nguồn: Vinanet/VITIC