Theo đó, sự chênh lệch số liệu thống kê là do hai nhóm nguyên nhân chính.
Thứ nhất thuộc về nhóm áp dụng phương pháp thống kê gồm: sự khác biệt về tiêu chí thống kê; phạm vi hàng hóa đưa vào thống kê; xác định giá trị thống kê khác nhau; sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê.
Thứ hai là nhóm nguyên nhân buôn lậu, gian lận thương mại, ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Thời gian qua, việc chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc đã làm “nóng” diễn đàn Quốc hội và dư luận. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc theo số liệu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc (số liệu Trung Quốc công bố) 5 tỷ USD (tương đương 33%). Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ USD (tương đương 46%).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê với Tổng cục Hải quan đã có cuộc họp rà soát kỹ hơn cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2014 nhằm xem xét khả năng lượng hóa tác động của từng nhóm nguyên nhân.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chỉ với dữ liệu chi tiết riêng của Việt Nam, hai cơ quan khẳng định không có cơ sở để lượng hóa hoặc ước tính tác động của từng nhóm nguyên nhân.
"Vấn đề này chỉ thực hiện được khi có sự phối hợp rà soát chi tiết cơ sở dữ liệu xuất, nhập khẩu của thống kê hải quan Trung Quốc với cơ sở dữ liệu của hải quan Việt Nam theo thực tiễn quản lý của mỗi nước như nhiều nước đã làm, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu…" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, mức nhập siêu từ thị trường này ngày càng lớn. Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng sang Trung Quốc đạt 9,3 tỷ USD, tăng 8,3%. Như vậy, Việt Nam vẫn nhập siêu gần 20 tỷ USD với Trung Quốc.
Vì thế Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao cho một bộ, ngành đầu mối trao đổi phía Trung Quốc phối hợp thực hiện rà soát thường kỳ số liệu xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Ngoài ra, theo cơ quan này, các bộ, ngành liên quan cần có biện pháp mạnh và hiệu quả để quản lý các luồng hàng ra vào lãnh thổ Việt Nam, kiểm soát hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại qua giá… Điều này nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, tránh thất thu thuế và thực sự đem lại lợi ích cho Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại với các nước và khối nước.
Ngoài việc thực hiện thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu như các quy định hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị Tổng cục Hải quan theo dõi chặt chẽ những luồng hàng hóa ngoài phạm vi thống kê xuất, nhập khẩu như tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển tải… và nghiên cứu thực hiện thống kê theo “nước gửi hàng” song song với thống kê theo “nước xuất xứ” để phục vụ mục tiêu phân tích các luồng hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Hà Bình