Sẽ thoái vốn Nhà nước bằng hình thức đấu giá
Chiều 1/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2015. Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, đến nay Bộ đã thành lập ban chỉ đạo CPH tại 28 doanh nghiệp. Cùng đó, Bộ đã phê duyệt thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để CPH 25 doanh nghiệp.
Bộ GTVT cũng đã hoàn thành phê duyệt giá trị doanh nghiệp để CPH 28 doanh nghiệp, trong đó có
7/7 công ty thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC), 21/24 công ty con thuộc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR). Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tài chính để đủ điều kiện CPH đối với 1 công ty con thuộc SBIC.
Cũng theo ông Minh, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã hoàn thành IPO 7 doanh nghiệp và tổ chức đại hội cổ đông lần đầu đối với 17 doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Hàng không VN. Đặc biệt trong thời gian qua, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt phương án CPH 3 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp là Tổng công ty Hàng hải VN, Tổng công ty Cảng hàng không VN và Bệnh viện GTVT T.Ư. Đối với việc CPH các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ đã báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương CPH 16 đơn vị.
“Bộ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các khoản đầu tư, tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính và các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ.
Đến nay, đã thoái vốn Nhà nước tại 19 doanh nghiệp với tổng số tiền thu về là 1.487 tỷ đồng. Hiện Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn Nhà nước theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư để bán đấu giá, thoả thuận trực tiếp theo lô, bán cho người lao động”, ông Minh nói.
Không cho phép tiến độ CPH chững lại
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc VNR cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2015, Tổng công ty sẽ hoàn thành CPH 24 công ty. Sau 6 tháng, đã cơ bản đạt tiến độ dự kiến. Phấn đấu đến 31/12 sẽ hoàn thành CPH toàn bộ.
Tuy nhiên theo ông Tùng, hiện có một số vướng mắc trong việc CPH. Trong quá trình CPH, Tổng công ty đang là chủ sở hữu của những tài sản từ nguồn vốn vay ODA và hiện vẫn đang phải trả nợ. Vì thế Tổng công ty kiến nghị cho phép chuyển giao các tài sản này cho 2 công ty vận tải.
Bên cạnh đó cho phép Tổng công ty giữ lại toàn bộ quỹ đất và tài sản trên đất tại các xí nghiệp đầu máy, toa xe để phục vụ quy hoạch phát triển đường sắt trong tương lai. Nếu đem bán rất có thể chủ đầu tư sau này không tuân thủ các quy hoạch phát triển của đường sắt.
“Tổng công ty có kế hoạch thoái vốn tại 27 công ty trong năm nay, nhưng giờ mới thực hiện được tại 7 công ty, các công ty còn lại đều trong tình trạng bán không hết hoặc thay đổi phương án thoái vốn. Nếu không có quy định chặt, khi bán hai công ty đầu máy toa xe Dĩ An và Gia Lâm, chủ đầu tư sẽ biến thành công ty kinh doanh bất động sản vì ở đây toàn là vị trí đắc địa”, ông Tùng lo ngại.
Trả lời những kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt VN, ông Vũ Anh Minh cho biết, đối với các tài sản hình thành từ nguồn vốn ODA, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đã là tài sản của doanh nghiệp thông qua vốn vay. Nếu đưa các tài sản này về Tổng công ty, doanh nghiệp đó chỉ còn cái tên. Như vậy chắc chắn không ai mua.
Đối với VNA, Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh cho biết, đến nay Tổng công ty đã hoàn tất quá trình CPH, đã tiến hành đại hội cổ đông, đăng ký hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần. Hiện, Tổng công ty đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán với nhà đầu tư chiến lược để sớm báo cáo Bộ kết thúc tiến trình này. Nhà đầu tư cho biết sẽ trình HĐQT của họ vào ngày 29/7. Do vậy, sớm nhất tuần đầu của tháng 8, Tổng công ty sẽ có báo cáo Bộ phương án.
“VNA sẽ tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu tái cơ cấu Công ty mẹ. Theo đó sẽ tách dịch vụ mặt đất ra để thành lập công ty cũng như Công ty bay dịch vụ hàng không. Dự kiến hết Quý III sẽ chỉ để lại Công ty mẹ, còn lại 6.500 lao động/10 nghìn lao động như hiện nay”, ông Minh cho biết.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp thời gian qua cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra nhưng tốc độ xử lý văn bản đang chững lại so với năm ngoái. Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp càng thực hiện CPH sau, càng có nhiều cái vướng. Vì thế, nếu cứ chờ ý kiến đầy đủ các bộ ngành sẽ rất chậm.
“Do tốc độ xử lý văn bản chậm nên cũng kéo theo việc thoái vốn cũng chậm. Nhiều cái không cho bán ngay, nhà đầu tư sẽ nản, họ ngãng ra. Phải có cổ đông chiến lược mới có công việc, nguồn khách hàng về, nếu chần chừ sẽ lỡ mất cơ hội bởi khi nhà đầu tư chán rồi, có mời họ cũng không quay trở lại”, Bộ trưởng đề nghị.
Cùng đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, các đơn vị đều có cố gắng trừ đường sắt. “Tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp là để thay đổi về bản chất quản trị doanh nghiệp. Đối với việc này hiện đã có thay đổi nhưng chưa hiệu quả. Muốn làm tốt hơn, phải thay đổi quản trị. Đấy là vấn đề mấu chốt để góp phần năng cao năng lực cạnh tranh, tạo dịch vụ tốt hơn. Cần phải sớm tách quản lý nhà nước với dịch vụ công".