Khẳng định điểm tựa của chính sách
Trong một tháng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao, tỷ lệ người lao động (NLĐ) thất nghiệp gia tăng, chính sách BH thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận NLĐ thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế-xã hội đất nước.
Dịch Covid-19 bùng phát: Ngành bảo hiểm xã hội lo khó hoàn thành chỉ tiêu năm 2021
Biến động về số lượng lao động tại các địa phương sẽ gây khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH thời gian tới
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, riêng trong tháng 7/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 80.021 người hưởng BH thất nghiệp, trong đó có 79.087 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 934 người hưởng chế độ học nghề. Ngoài ra, còn có hơn 8,3 triệu lượt người đi khám chữa bệnh (KCB ) bảo hiểm y tế (BHYT) và được quỹ BHYT chi phí lên tới 6.423 tỷ đồng.
Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người dân, BHXH Việt Nam đã sớm chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng (tháng 7, 8) vào cùng một kỳ chi trả; hướng dẫn BHXH các tỉnh thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo chế độ BHXH; hướng dẫn người dân tham gia và đóng BHYT hộ gia đình trong thời gian phòng chống dịch; tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác KCB cho người tham gia BHYT trong bối cảnh dịch bệnh, không để người bệnh tự chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi được hưởng.
BHXH Việt Nam cũng đã kịp thời cung cấp 6 DVC trên Cổng DVC của ngành; kết nối, tích hợp, cung cấp 5 DVC trên Cổng DVC quốc gia. Hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VssID. Tính đến 31/7/2021, toàn quốc đã có gần 17 triệu lượt người tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, đạt 67,2% so với kế hoạch…
Với mục tiêu kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, người sử dụng lao động (SDLĐ) và cơ sở KCB do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với sự chủ động, quyết liệt, đến hết tháng 7/2021, ngành BHXH đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) cho 375 nghìn đơn vị SDLĐ, tương ứng 11,238 triệu NLĐ, với số tiền được điều chỉnh giảm khoảng 4.322 tỷ đồng.
Hiện, bộ phận "Một cửa" BHXH các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 120 đơn vị với 9.533 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với số tiền 61,53 tỷ đồng tại 25 tỉnh, thành phố; xác nhận danh sách cho 175.804 NLĐ của 10.858 đơn vị để hưởng các chính sách tại 55 tỉnh, thành phố.
Đánh giá về kết quả đạt được trong giai đoạn vô cùng khắc nghiệt của đời sống kinh tế, xã hội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - cho rằng, đây là thành quả cho sự nỗ lực của toàn ngành BHXH. Trong đó, công tác hỗ trợ DN và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời, thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống vì quyền lợi của NLĐ.
Đối diện khó khăn
Do tác động của dịch Covid-19, theo ghi nhận của BHXH Việt Nam, hiện nay, số người tham gia BHXH, BHYT trên cả nước đều giảm so với tháng 6/2021 và thời điểm cuối năm 2020. Vì vậy, dự báo của ngành BHXH thời gian còn lại của năm 2021 là hết sức khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đối với toàn ngành BHXH khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Tại cuộc họp của ngành BHXH mới đây, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng với việc giảm số người tham gia BHYT khi triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (khoảng 3,9 triệu người), nếu như không có đề xuất, giải pháp kịp thời tháo gỡ về cơ chế chính sách, không có những giải pháp thực sự sáng tạo, đột phá cùng sự tập trung, quyết liệt, nỗ lực lớn của toàn ngành, thì việc hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 và kế hoạch của ngành đề ra năm 2021 là hết sức khó khăn.
Nhìn nhận thực tế hiện nay, theo đại diện Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, dù trong tháng 7 có 26 địa phương phát triển được người tham gia BHXH tăng so với tháng 6, nhưng do đa số là các tỉnh nhỏ, nên không thể bù lại được các tỉnh, thành phố lớn. Trong khi đó, tốc độ phát triển BHXH tự nguyện tăng thấp. "Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu, từ nay đến hết năm, chúng ta phải tổ chức được khoảng 66.000 Cuộc họp tuyên truyền trên cả nước"- ông Hào nêu rõ.
Nhận định tình hình, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng thừa nhận rằng, công tác thu, thời gian tới sẽ là một trong những khó khăn mà toàn ngành này cần phải tập trung để thực hiện tốt. Nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh có thể làm đứt gãy nguồn cung ứng lao động, sẽ gây ra biến động về số lượng lao động tại các địa phương. Theo đó, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả.
Theo đề nghị của lãnh đạo BHXH Việt Nam, mỗi địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như phòng chống dịch, cũng như đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ như: Thu, phát triển đối tượng cho 5 tháng cuối năm. Trong đó, các địa phương cần tận dụng mọi thời cơ, phối hợp tốt với chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể vận động người dân tham gia chính sách, nhất là trong thời điểm dịch hiện nay đã cho thấy sự cần thiết của các chính sách an sinh đối với người dân; tập trung hỗ trợ DN, NLĐ trong thời điểm khó khăn hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy thị trường lao động gây tác động rất lớn tới kết quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các khâu nghiệp vụ, trong đó nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng VssID để hỗ trợ người dân và NLĐ...
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh - nhấn mạnh, hiện nay, đại dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại đối với kinh tế-xã hội đất nước, trong đó có ngành BHXH Việt Nam. Do đó, để hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu của cả năm 2021 là rất thách thức, nhưng cơ hội của 5 tháng cuối năm chưa hẳn là không có, nếu biết nắm bắt cơ hội. “Thực tế đã có, nếu chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, khéo léo giúp người dân nhận ra việc tham gia chính sách BHXH tự nguyện sẽ có những lợi ích như thế nào đối với họ, nhất là những lúc khó khăn như dịch bệnh thì chắc chắn người dân sẽ tự nguyện tham gia”- ông Mạnh cho hay .
Để sớm vượt bão khó khăn, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cần kiên định các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; sử dụng ứng dụng VssID một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia; nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch...

BHXH Việt Nam cho biết, đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,08% lực lượng lao động. Trong đó, có hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; gần 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia BH thất nghiệp; hơn 85 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 87,17% dân số. Tổng số thu của toàn ngành này là 224.529 tỷ đồng, đạt 56,18% kế hoạch; tổng số nợ là 21.358 tỷ đồng, chiếm 5,34% so với số phải thu...

Nguồn: congthuong.vn