Dự kiến Nhật Bản sẽ thận trọng trong việc giảm mức cứu trợ kinh tế bởi lạm phát giá tiêu dùng vẫn ở mức thấp hơn mục tiêu 2%.
Với tốc độ tăng lương chậm và tiêu dùng thấp, lạm phát ở Nhật vẫn gần 0%. Do đó, có nhiều khả năng Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ trấn an các thị trường rằng BoJ sẽ đi tụt lại sau so với các đối tác chính khác trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chứ chưa nói đến việc tăng lãi suất.
Mari Iwashita, nhà kinh tế trưởng phụ trách mảng thị trường của Daiwa Securities, cho biết: “Nếu nhiều công ty bắt đầu chuyển chi phí gia tăng cho các hộ gia đình, chúng ta có thể thấy lạm phát tiêu dùng cốt lõi vượt quá 1,5% trong năm tới”. "Điều đó có thể thúc đẩy BoJ bắt đầu đưa ra các gợi ý vào năm tới về việc bình thường hóa chính sách trong tương lai. Nhưng việc thực thi thực tế sẽ mất một thời gian", bà Iwashita nói.
Tại cuộc họp lãi suất xem xét lãi suất kéo dài hai ngày kết thúc vào thứ Sáu, BoJ được cho là sẽ duy trì mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và đối với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là khoảng 0%.
Dự kiến BoJ cũng sẽ tranh luận về việc có nên kéo dài thời hạn tháng 3 năm 2022 cho các khoản tài trợ khẩn cấp được triển khai vào năm ngoái để chống lại cuộc khủng hoảng tiền mặt do đại dịch gây ra hay không. Một số nguồn tin cho rằng BoJ có thể sẽ giảm việc mua trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu do các điều kiện cấp vốn của các công ty lớn được cải thiện rõ rệt.
Một chương trình tài trợ khác nhắm vào các công ty nhỏ hơn cũng có thể được thu hẹp lại, mặc dù một phần trong số đó có thể được gia hạn sau tháng 3 để tiếp tục hỗ trợ các nhà bán lẻ đang trong tình trạng thiếu tiền mặt.
Giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản chỉ tăng 0,1% trong tháng 10 so với một năm trước đó khi các công ty vẫn thận trọng về việc tăng giá trong bối cảnh chi tiêu hộ gia đình ở mức thấp.
Ông Kuroda phát biểu trước quốc hội hôm thứ Tư rằng lạm phát tiêu dùng có thể chạm mức 2% do chi phí nguyên liệu thô tăng, mặc dù ông nhấn mạnh quyết tâm của BoJ là giữ chính sách cực kỳ lỏng lẻo để đảm bảo bất kỳ sự gia tăng giá nào cũng đều đi kèm với tiền lương tăng.
 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters