Dự kiến giá thức ăn chăn nuôi (TACN) sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới do giá nguyên liệu trên thế giới vẫn có xu hướng tăng lên. Với giá TACN quyết định tới 65 - 70% giá thành sản xuất, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng cơ quan quản lý cần có những giải pháp căn cơ để đảm bảo ổn định chăn nuôi. Nếu không, tình trạng nông dân bỏ đàn, giảm đàn sẽ xảy ra và nguy cơ sẽ thiếu thịt trong những tháng cuối năm.
5 tháng, 7 lần tăng giá
Trong những ngày đầu tháng 5, các công ty sản xuất TACN liên tục gửi thông báo tăng giá tới các đại lý và người chăn nuôi với mức tăng 200 - 500 đồng/kg. Có thể kể đến như VinaFeed tăng 300 đồng/kg, Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN tăng 300 - 400 đồng/kg, Công ty cổ phần ABC Việt Nam tăng 330 đồng/kg, Công ty TNHH Cargill Việt Nam tăng giá 250 - 500 đồng/kg.
Mới đây nhất, ngày 5-5 Công ty C.P Việt Nam tăng giá TACN thêm 400 - 700 đồng/kg... Trong thông báo gửi khách hàng, các công ty đều đưa ra lý do tăng giá do giá nguyên liệu tăng quá cao thời gian qua. Theo các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, đây đã là lần tăng giá TACN thứ 7 kể từ đầu năm đến nay với mức tăng khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg, tương đương với mức tăng 20 - 25%.
Theo ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2020 đến nay giá nguyên liệu TACN đã tăng bình quân 20 - 30%, cá biệt có những loại nguyên liệu như ngô tăng tới 40%, đậu tương tăng 41%.
Một trong những nguyên nhân khiến giá nguyên liệu TACN tăng cao là do dịch COVID-19 đã tác động đến thị trường nông sản toàn thế giới, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc vận chuyển khó khăn do tình trạng thiếu container.
Trong khi đó, theo Hiệp hội TACN Việt Nam, ngành chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên không thể tránh khỏi tác động khi giá thế giới tăng cao, chưa kể dịch bệnh và tình trạng thiếu container rỗng cũng làm tăng giá nguyên liệu nhập khẩu. 

Theo các doanh nghiệp sản xuất TACN công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80 - 85% giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng 10 - 15%. Vì vậy, các công ty buộc phải tăng giá bán lẻ tới tay người chăn nuôi do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.

Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam - cho biết giá các loại nguyên liệu chính của TACN bắt đầu tăng từ tháng 10-2020 và liên tục đến nay với mức tăng trung bình từ 30 - 40%, nhưng giá TACN thành phẩm chỉ bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 12-2020. Do các doanh nghiệp thường mua nguyên liệu cho sản xuất từ 3-4 tháng tiếp theo nên giá bán lẻ TACN thường có độ trễ hơn so với giá nguyên liệu.
Hơn nữa, tùy vào tình hình kinh doanh và chiến lược của mình, các nhà máy sản xuất sẽ có mức độ tăng giá khác nhau tùy vào thời điểm chứ không tăng đột ngột như giá nguyên liệu đầu vào.
Nhiều người chăn nuôi bỏ nghề
Ông Trần Văn Thức - chủ trại heo tại Thống Nhất (Đồng Nai) - cho biết với giá xuất chuồng xoay quanh mức 70.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay, những trang trại nuôi heo chủ động được heo giống vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, với giá TACN tăng cao, hoạt động chăn nuôi heo đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tả heo châu Phi vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh hay thuốc đặc trị.
"Những ngày qua mỗi đêm có hàng ngàn con heo nhỏ (móc hàm) từ 20 - 65kg/con về các chợ đầu mối tại TP.HCM cho thấy rất nhiều trang trại đang xảy ra dịch bệnh phải bán chạy heo. Một trại nuôi mà dính phải dịch bệnh thì nguy cơ phá sản rất cao, khi giá TACN tăng đã đẩy giá thành nuôi lên nhanh chóng" - ông Thức cảnh báo.
Tuy nhiên, chịu tác động lớn nhất của đợt tăng giá TACN là những người nuôi gà. Sau khi thua lỗ suốt một năm 2020 bởi giá gà xuống thấp, có thời điểm còn 15.000 đồng/kg, giá gà có nhích lên từ đầu năm nay nhưng vẫn không bù lại với mức tăng giá thành. Từ đầu năm đến nay, giá gà công nghiệp dao động ở mức 19.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 27.000 đồng/kg.

Người nuôi heo vẫn có lãi nhưng cũng đối diện với rủi ro do giá TACN tăng cao và dịch bệnh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Là một người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nuôi gà công nghiệp nhưng mới đây ông Phan Hòa Bình (Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết đã chính thức rời khỏi ngành này vì thua lỗ kéo dài và không nhìn thấy tương lai. Đã có những thời điểm, tổng đàn gà ở các trại của ông Bình lên tới trên 500.000 con/lứa nhưng đến nay đành bỏ để chuyển sang ngành khác.
"Tôi đang đàm phán cho các công ty nước ngoài thuê chuồng trại. Chỉ có những công ty nước ngoài vốn lớn và chăn nuôi nhiều ngành nghề cũng như khép kín cả chuỗi thì may ra mới có thể tồn tại trong ngành này được" - ông Bình than thở.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, giá TACN tăng cùng với giá bán sản phẩm chăn nuôi thua lỗ kéo dài đã dẫn tới việc nhiều người chăn nuôi bỏ nghề. "Với việc Nhà nước cho tự do nhập khẩu phụ phẩm động vật và giá TACN tăng liên tục, ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam đang ở tình thế cực kỳ khó khăn. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc chỉ đơn thuần đầu tư chuồng trại chăn nuôi chắc chắn sẽ lỗ" - ông Ngọc cho biết.
Số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi cho biết trong năm 2020 sản lượng thức ăn chăn nuôi Việt Nam đạt 20,3 triệu tấn, trong đó thức ăn cho heo chiếm 8,9 triệu tấn, tương đương đạt tỉ lệ 43,8%; thức ăn cho gia cầm lần đầu tiên đạt mức 10,7 triệu tấn, chiếm tỉ lệ 53,7%; thức ăn cho các loại vật nuôi khác chiếm 0,6 triệu tấn, đạt tỉ lệ 3,0% trong cơ cấu sản lượng thức ăn chăn nuôi.

Nguồn: tuoitre.vn