Tăng trưởng xuất khẩu tôm, cá tra phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch COVID-19
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm, cá tra đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam đang đe dọa tăng trưởng ngành thủy sản.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 190 nghìn tấn, trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Dù Việt Nam chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng tốt nhờ lợi thế ưu đãi về thuế từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA sang các thị trường Mỹ, EU, Anh, Australia.
Cục dự báo xuất khẩu tôm quý III có thể chậm lại do tác động của dịch COVID-19 trong nước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra cũng cùng cảnh ngộ, tăng trưởng tốt vào đầu năm và có thể rơi vào trạng thái nguy hiểm trong 6 tháng cuối năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 781 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát nhanh ở TP HCM và lan xuống ĐBSCL khiến việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu tới nhà máy, các nhà máy chế biến cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này có thể ảnh hưởng theo chuỗi như hiệu ứng domino tới tất cả các mắt xích cá tra và giá nguyên liệu trong thời gian tới.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam khiến TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam phải áp dụng chỉ thị 16, việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 được khống chế, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại do nhu cầu thị trường thế giới ở mức cao và sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất định với những ưu đãi về thuế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực.
Giá tôm, cá tra tăng mạnh trong nửa đầu năm
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm sản lượng cá tra của cả nước đạt 706 triệu tấn, không biến động so với cùng kỳ năm 2020.
Giá cá tra nguyên liệu (cỡ 0,8 – 1 kg/con) đạt khoảng 21.800 – 21.900 đồng/kg tăng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020 do nguồn cung hạn chế khi người nuôi lo ngại về đầu ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trong khi thị trường xuất khẩu gặp khó khi giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến người nuôi hạn chế cho ăn, thời gian nuôi kéo dài, dân đến hệ số thức ăn tăng cao, hao hụt đầu con nhiều.
Bộ NN&PTNT dự báo sản lượng cá tra trong quý III đạt 359 nghìn tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu tôm, cá tra có giữ được phong độ trong nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm, cá tra có giữ được phong độ trong nửa cuối năm? - Ảnh 1.
Sản lượng cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long ổn định so với cùng kỳ năm trước (Nguồn: Bộ NN&PTNT)
Cũng theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm sản lượng tôm đạt 392 nghìn tấn, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó sản lượng tôm sú đạt 114 nghìn tấn, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 257 nghìn tấn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá tôm nguyên liệu trong nước diễn biến theo xu hướng giảm so với đầu năm (khi nhu cầu sau dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh) nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, giá tôm sú tăng 28 - 30%, giá tôm thẻ tăng 18 -20% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ NN&PTNT dự báo trong quý III sản lượng tôm các loại tăng dù dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam song lượng tiêu thụ tôm, cá sẽ giảm.

Nguồn: doanhnghiep.vn