Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Luật đã khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam coi sử dụng năng lượng TK&HQ là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Trong 5 năm Luật đi vào đời sống, 20 văn bản pháp luật đã được ban hành ở cấp Trung ương, 30 bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu áp dụng cho các nhóm thiết bị mục tiêu kèm theo phương pháp thử nghiệm, 7 quyết định về việc chỉ định 7 cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lượng và 16 văn bản hướng dẫn tác nghiệp đã được Bộ Công Thương ban hành.

Các văn bản quy phạm pháp luật này không chỉ tạo chuyển biến lớn về thực thi các hoạt động tiết kiệm năng lượng, mà còn tạo hành lang thông thoáng cho các kế hoạch hợp tác với các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước.

Theo kết quả đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011-2015 là 5,65%, với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này là 11,261 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng theo ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương): Kết quả đạt được từ khi có Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ vẫn chưa thật sự toàn diện và bền vững. Trong đó, một phần do chính những khó khăn tồn tại trong quá trình thực thi Luật. Cụ thể như: Các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Luật; nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế; nhiều hoạt động sử dụng và tiết kiệm năng lượng còn nhỏ lẻ, thiếu kinh phí triển khai; doanh nghiệp khó tiếp cận những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng… Thực tế, cường độ năng lượng (lượng năng lượng tiêu thụ/1 đơn vị GDP) của Việt Nam đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2011-2015, nhưng vẫn ở mức rất cao so với khu vực và thế giới (cao hơn 1,4 lần so với Malaysia và hơn 5 lần so với Nhật Bản).

Để việc tiết kiệm năng lượng thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn từ năm 2021-2030 của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về vấn đề tiết kiệm điện; cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản dưới luật để tạo ra môi trường khuyến khích các chủ thể sử dụng năng lượng TK&HQ. Trong đó, tiết kiệm năng lượng phải đi đôi với sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện mặt trời, sinh khối), bởi đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà nó còn là hướng đi căn bản để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong tương lai.

Nguồn: Hoàng Mai/Báo Công thương điện tử