Trong tháng 1/2022, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh đạt 36,9 triệu USD, tăng 11,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong tháng có tới 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 44,2 triệu USD, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm trước; có 1 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 9,19 triệu USD và 1 dự án điều chỉnh giảm vốn 16,4 triệu USD.
Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt khởi sắc
Metfone là thương hiệu của Viettel tại thị trường Campuchia
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc có tới 15 dự án mới được cấp giấy chứng nhận trong một tháng cũng khiến dòng vốn đầu tư ra trong tháng 1/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, bởi tháng 1/2021 chỉ có 1 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp mới, với tổng vốn đăng ký chỉ đạt 3,16 triệu USD.
Cũng về dự án đăng ký mới, trước đó, vào năm 2021, Việt Nam ghi nhận có 61 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 409 triệu USD, tăng 28,6% so với năm 2020.
Trong tháng 1/2022, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 9 ngành. Trong đó, khai khoáng dẫn đầu với 1 dự án đầu tư mới, có tổng vốn đầu tư 35,54 triệu USD. Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ hai với 1 dự án điều chỉnh tăng vốn 9,19 triệu USD, kế đến là là các ngành bán buôn bán lẻ, vận tải kho bãi… Có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong tháng 1/2022. Trong đó, dẫn đầu là Lào với 2 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 48,23 triệu USD. Đứng thứ hai là Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư trên 7,8 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Lào chiếm 25% đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài
Lũy kế đến 20/01/2022, Việt Nam đã có 1.463 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 20,9 tỷ USD. Trong đó, các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (25%); Campuchia (13,6%); Venezuela (8,7%)…
Đặc biệt, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm trước. Trong đó, một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại đây có hiệu quả, dự báo sẽ tiếp tục tăng vốn mở rộng đầu tư trong năm 2022 và những năm tới.
Còn với Campuchia, tính đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 188 dự án sang quốc gia này, với tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD, với kết quả trên, Việt Nam là quốc gia ASEAN có đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Trong đó, một trong những doanh nghiệp thành công trong đầu tư sang Campuchia là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với thương hiệu Metfone, sau hơn 15 năm đầu tư tại đây, hiện Metfone được định giá hơn 1 tỷ USD và trở thành một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất tại đây.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt có xu hướng tăng, đây là tín hiệu rất tích cực, góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Để khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách về hoạt động doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam ban hành. Đến nay, hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài ngày càng hoàn thiện, trong đó đáng chú ý là việc ban hành Luật Ðầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã có những sửa đổi, bổ sung tạo cơ hội thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó để khắc phục những rủi ro trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Chính phủ giao cơ quan chức năng rà soát, đánh giá xu hướng đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư của cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để có giải pháp quản lý và xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước có nhiều hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam hoặc đối tác tiềm năng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy hợp tác đầu tư thuận lợi, an toàn và hiệu quả. Đây được coi là những khung khổ pháp lý quan trọng, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả tích cực hơn trong thời gian tới.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,4%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (16%).
Nguyễn Hòa
Tags: