Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do Ủy ban Kiểm toán Nhà nước (BPK) tổ chức ngày 15/6, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI), ông Perry Warjiyo, nhấn mạnh: "Chúng tôi cấm tất cả các tổ chức tài chính, đặc biệt là các đối tác của BI, không tạo thuận lợi hoặc sử dụng tiền điện tử như một công cụ hoặc dịch vụ thanh toán".
Thống đốc Warjiyo khẳng định rằng tiền điện tử không phải là công cụ thanh toán hợp pháp tại Indonesia theo quy định của pháp luật, cụ thể là Hiến pháp, Luật về BI và Luật tiền tệ. Ông cho hay BI sẽ triển khai các giám sát viên nhằm đảm bảo rằng các tổ chức tài chính tuân thủ luật pháp.
Indonesia cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong thanh toán, mặc dù cho phép giao dịch chúng như một loại hàng hóa. Công cụ này được xem là không có cơ sở cơ bản, quy định rõ ràng và dễ bị đầu cơ. Tuy nhiên, hiện BI đang có kế hoạch tung ra một loại tiền rupiah kỹ thuật số và đang đánh giá nền tảng sử dụng loại tiền tệ này.
Hồi tháng Năm, người phát ngôn của Tổng cục thuế thuộc Bộ Tài chính Indonesia, ông Neilmaldrin Noor cho biết nước này đang xem xét kế hoạch đánh thuế giao dịch tiền điện tử sau khi sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước đối với các loại tài sản này tăng đột biến.
Theo ông Neilmaldrin Noor, nỗ lực này được thúc đẩy trong bối cảnh Indonesia đang tìm cách tăng thu ngân sách nhà nước trong đại dịch COVID-19 và kế hoạch đánh thuế giao dịch tiền điện tử vẫn đang trong giai đoạn thảo luận.
Indodax - nền tảng giao dịch tiền điện tử được cho là lớn nhất ở Indonesia - cho biết số lượng thành viên hoạt động trên nền tảng này đã tăng từ mức 2,3 triệu người vào đầu năm lên 3 triệu người vào tháng Tư, trong bối cảnh giá bitcoin và các đồng tiền điện tử khác đạt mức cao kỷ lục.

Nguồn: Hữu Chiến (P/V TTXVN Tại Jakarta)