Kinh tế Mỹ trong quý I tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng ở mức hai con số trong quý hiện tại. Thế nhưng, ngay cả khi tăng trưởng mạnh mẽ như thế, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn còn tồn tại nhiều dấu hiệu cần cảnh giác.
Thị trường lao động
Giới chuyên gia chỉ ra sự mất cân xứng trong ngắn hạn trên thị trường lao động, khi tăng trưởng việc làm vượt số người lao động đang tìm việc.
Nhiều người Mỹ đang phải xoay xở cùng lúc với nhiều vấn đề, từ những lo ngại về sức khỏe liên quan đến dịch Covid-19, đến nhiệm vụ chăm sóc con cái khi các trường học chưa mở cửa trở lại, và cả những bất ổn trong sự nghiệp sau khi nhiều việc làm biến mất trong 15 tháng qua.
Bên cạnh đó, nhiều người nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ và chính quyền bang còn nhiều hơn cả thu nhập mà họ kiếm được khi đi làm.
Nhiều ý kiến cho rằng sự thiếu hụt lao động hiện giờ không thể được giải quyết theo cách cũ là tăng lương và đưa ra điều kiện làm việc ưu đãi hơn. Nhưng trên thực tế, điều này lại đang bắt đầu diễn ra, khi tiền lương trung bình theo giờ tăng đáng kể trong tháng 4 và tháng 5.
Hoạt động tiêu dùng
Niềm tin tiêu dùng đang ở mức cao, và người Mỹ tiếp tục gia tăng chi tiêu trong tháng 4 sau khi tăng mạnh trong tháng 3 nhờ khoản trợ cấp trị giá 1.400 USD/người.
Dù vậy, cả niềm tin tiêu dùng và hoạt động chi tiêu đang có xu hướng đi xuống. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ không biến động nhiều trong tháng 4 sau khi tăng mạnh trong tháng 3, cho thấy tác động tích cực từ các khoản trợ cấp của chính phủ có thể suy yếu.
Kết quả khảo sát hàng tháng về niềm tin tiêu dùng của tổ chức Conference Board cho thấy doanh số bán lẻ được dự đoán tiếp tục giảm xuống trong tháng 5.
Lạm phát
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden có nguy cơ làm gia tăng lạm phát và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải nâng lãi suất, từ đó kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế. Nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell và nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ chỉ tạm thời tăng lên, chủ yếu là do tình trạng căng thẳng trong ngắn hạn của chuỗi cung ứng đẩy giá cả tăng lên, nhưng tình hình này sẽ dịu xuống sau một thời gian nữa. Dù vậy, ở thời điểm này, sự thiếu hụt nhiều mặt hàng, đặc biệt là chip, đang góp phần tạp áp lực cho lạm phát.
Thị trường nhà ở
Thị trường nhà ở tăng trưởng khá ổn định trong suốt thời kỳ đại dịch, nhờ lãi suất cho vay thế chấp ở mức siêu thấp và nhiều gia đình mong muốn chuyển đến một nơi rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong thời gian phong tỏa.
Nhưng khi giá nhà tăng vượt khả năng chi trả của nhiều người và nguồn cung bị hạn chế, sự bùng nổ của thị trường nhà ở có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây.
Hoạt động xây nhà giảm 9,5% trong tháng 4, mà nhiều chuyên gia cho là một phần do các công ty xây dựng trì hoãn các dự án, khi sự tăng giá của nhiều nguyên vật liệu góp phần đẩy giá nhà tăng cao.
Tháng 4, doanh số bán nhà mới giảm gần 6%, còn doanh số nhà hiện có giảm 2,7%. Nhiều người mua tiềm năng sẽ còn đứng ngoài thị trường nhà ở một khi nguồn cung thiếu hụt tiếp tục đẩy giá nhà lên cao.
Hoạt động chế tạo
Các nhà máy ở Mỹ vẫn hoạt động tốt bất chấp tình trạng chuỗi cung ứng thắt chặt và thiếu hụt lao động.
Chỉ số chế tạo của Viện quản lý nguồn cung (ISM) tăng lên 61,2 điểm trong tháng 5, đánh dấu 12 tháng hoạt động chế tạo liên tục tăng trưởng.
Tuy nhiên, một nửa số quản lý mua hàng tham gia khảo sát của Viện quản lý nguồn cung cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động.
Và trong bối cảnh nguồn cung căng thẳng, các nhà máy không chắc có thể duy trì sản lượng ổn định. ISM cho biết hoạt động giao hàng từ các nhà cung cấp đang diễn ra ở mức chậm nhất kể từ năm 1974.

Nguồn: Khánh Ly /TTXVN/Vietnam+