Dự báo tích cực
Tại Tọa đàm "Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh" mới đây, ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam (Ngân hàng Standard Chartered) - đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
"Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, có tới 60% người tham gia trả lời đều tin tưởng rằng, Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu" - ông Tim Leelahaphan chia sẻ.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, chi phí lương gia tăng ở Trung Quốc và xung đột thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc sử dụng chiến lược "Trung Quốc + 1". Quá trình này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn và Việt Nam có thể sẽ tiếp tục là điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam được dự báo sẽ tăng ở mức 6,7% và mức tăng trưởng 7% trong năm 2023 là hoàn toàn trong tầm tay" - ông Tim Leelahaphan nhấn mạnh.
Trước đó, trong bản Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận, khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, với các chỉ số chính đều tăng mạnh. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so cùng kỳ năm trước lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ khi đại dịch bắt đầu; cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân vào Việt Nam cũng có khởi đầu vững chắc trong năm 2022. Đáng chú ý, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2021, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận hồi cuối năm trước.
Các nhà phân tích rủi ro quốc gia tại Fitch Solutions (đơn vị chuyên nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Tập đoàn Fitch) cũng dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ "tăng trưởng vượt xu hướng" trong những quý tới. Theo đó, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,0% trong năm 2022, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ đề ra.
Covid-19 vẫn là rủi ro
Dù lạc quan với triển vọng năm 2022, báo cáo của WB lưu ý cần theo dõi: Các biện pháp y tế như chương trình tiêm vắc-xin và "thông điệp 5K" cần được duy trì vì rủi ro bùng phát dịch với biến chủng mới của Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại. Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới có thể được nâng cao bằng cách bổ sung các biện pháp an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Để đảm bảo chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, WB khuyến nghị, việc triển khai cần được theo dõi chặt chẽ. Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ thực hiện.
Ông Tim Leelahaphan lưu ý, Việt Nam quan tâm đến vấn đề lạm phát, nhất là nửa sau năm 2022. Các yếu tố về nguồn cung, như giá cả hàng hóa tăng cao hơn do tác động của dịch bệnh sẽ là nguyên nhân chính trong ngắn hạn. Dịch bệnh kéo dài có thể sẽ dẫn đến rủi ro lạm phát do nguồn cung. Do đó, Standard Chartered dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ đạt 4,2% trong năm 2022 và 5,5% vào năm 2023.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 được ban hành trong tháng 1/2022 với các hỗ trợ chính gồm: Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% và bổ sung thêm vốn đầu tư công... 
 
 

Nguồn: Thu Phương//congthuong.vn/