Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 19 nhằm cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong Chính phủ.
Cụ thể, ông Cung nhận định những chỉ tiêu liên quan, hay chịu trách nhiệm quản lý của một Bộ như nộp bảo hiểm xã hội thì việc triển khai có vẻ thuận lợi hơn. Song những chỉ tiêu liên quan đến nhiều Bộ, ngành như rút ngắn thời gian thông quan biên giới thì “triển khai rất ì ạch” và “dẫm chân tại chỗ”.
Nghị quyết 19 được ban hành vào đầu tháng 3 đặt ra chỉ tiêu, đến hết năm 2015 giảm thời gian thông quan hàng hóa xuống 13 ngày đối với xuất khẩu và 14 ngày đối với nhập khẩu. Đến hết năm 2016, thời gian thông quan xuất khẩu xuống dưới 10 ngày và nhập khẩu dưới 12 ngày.
Song đánh giá của CIEM cho thấy những chỉ tiêu này vẫn chưa đạt được. Báo cáo Chỉ số thương mại qua biên giới (TAB) của ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án GIG chỉ rõ sự phối hợp giữa hải quan và cơ quan khác trong một số thủ tục hải quan vẫn chưa tốt.
“Hàng đã làm thủ tục hải quan, đã nộp thuế vẫn chưa được thông quan do quá giờ làm việc hoặc ngày nghỉ cuối tuần , nghỉ lễ của ngân hàng, doanh nghiệp không nộp được thuế”, bản báo cáo nhấn mạnh.
“Về thủ tục thông quan, hải quan làm rất tốt, song hải quan chỉ là một điểm trong dây chuyền thủ tục quy trình xuất nhập khẩu. Điểm nghẽn của thủ tục xuất nhập khẩu nằm ở quản lý chuyên ngành”, ông Cung nhận định.
Kết quả khảo sát trong báo cáo TAB cho thấy, khoảng 30-35% lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan, nhưng tỷ lệ hàng hóa không đáp ưng quy định chỉ dưới 1%.
“Thời gian thông quan của hải quan (28% cơ quan hải quan) 72% từ bộ ngành. Có những lô hàng 10 ngày vẫn chưa xử lý xong”, một vị đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ tại Hội nghị.
Bên cạnh vấn đề phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, ông Cung cho rằng hiệu quả của cải cách còn phụ thuộc vào sự quyết tâm người thực thi.
Báo cáo Cải thiện quy trình thủ tục thuế và BHXH, chỉ rõ lãnh đạo BHXH đã rất quyết liệt chỉ đạo và triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về BHXH. Tại một số địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện thủ tục BHXH đã có chuyển biến tích cực.
Những thay đổi mới cho phép các địa phương có thể giải quyết thủ tục hành chính qua giao dịch điện tử qua phần mên iBHXH hoặc qua Bưu điện.
Các biện pháp cải các thực do BHXH Việt Nam thực hiện từ cuối 2014 đến nay đã góp phần giảm 100,5 giờ trên tổng số 335 giờ thực hiện các quy định về bảo hiểm bắt buộc liên quan đến người lao động như BH Hưu trí, BH Y tế và tai nạn lao động…
Điều này góp phần giúp “TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai trở thành 2 địa phương diển hình trong việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết 19”, bà Đại diện CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, nhận định.
Tuy vậy, Bản báo cáo 6 tháng thực hiện nghị quyết 19 công bố sáng nay cho thấy hầu hết Bộ và địa phương vẫn đang chậm chạp trong quá trình đạt được mục tiêu đạt chuẩn ASEAN-6 năm 2015.
Kết thúc hội nghị, ông Cung kêu gọi các Bộ, ngành “Cần đồng long, đồng tâm để đạt được mục tiêu Nghị quyết”, bởi theo ông các Bộ đóng vai trò tiên phong trong quá trình thực hiện, và hơn nữa cách biệt giữa ASEAN-6 và ASEAN-4 là “rất xa”.
Đầu tháng 3, Chính phủ đã đưa ra nghị quyết 19 với mục tiêu năm 2015 phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippins, Indonesia và Brunei). Đến năm 2016, tối thiểu đạt mức trung bình ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Philippines, và Thái Lan) trên một số chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế.
Nghị quyết yêu cầu các Bộ, địa phương rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng thực hiện các quy định và thủ tục theo thông lệ quốc tế (cụ thể là chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới)
Theo đánh giá Ngân hàng Thế giới, năm 2015 Việt Nam tụt 4 bậc, từ 72 xuống 78, trên bảng xếp hạng Chỉ số môi trường kinh doanh trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cụ thể so với năm 2014
(i) đăng ký thành lập doanh nghiệp: tụt 5 bậc từ 120 xuống 125
(ii) cấp phép xây dựng: tăng 1 bậc từ 23 lên 22.
(iii) tiếp cận điện năng; xếp hạng 135 không đổi
(iv) nộp thuế và bảo hiểm xã hội: tụt 2 bậc từ 171 xuống 173
(v) giao dịch thương mại qua biên giới: tụt 1 bậc từ 74 xuống 75
(vi) đăng ký tài sản: tăng 1 bậc 34 lên 33
(vii) giải quyết tranh chấp hợp đồng: xếp hạng 47 không đổi
(viii) giải quyết phá sản doanh nghiệp: xếp hạng 104 không đổi
Đức Anh