Theo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ qua tỉnh Ninh Thuận hoàn thành 19/25 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế tiếp tục ổn định và tăng trưởng; tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 11,2%/năm.

Thu ngân sách đạt 1.800 tỉ đồng, tăng gấp 2,03 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,45 lần so năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33.155 tỉ đồng, bằng 1,95 lần so giai đoạn trước. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng.

Tỉnh đã tạo việc làm mới cho 79.000 lao động; giảm hộ nghèo xuống còn 5,73%. Trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia 30,6%; xã phường, thị trấn vững mạnh toàn diện về quốc phòng-an ninh đạt 72,3%.

Những hạn chế yếu kém trong nhiệm kỳ qua được chỉ ra là: Một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp, tiềm năng lợi thế chậm được khai thác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu.

Đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là điểm nghẽn để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; qui mô doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh còn hạn chế

Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa ra một số chỉ tiêu chỉ tiêu sau.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có khả năng chịu hạn gắn với ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh như: nho, táo, tỏi, dê, bò, cừu…gắn với công nghiệp chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ.

Phát triển đồng bộ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; chú trọng nâng cao năng lực tàu thuyền để khai thác xa bờ. Phát triển hạ tầng du lịch, tăng cường liên kết với các thành phố: Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh để phát triển du lịch.

Đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…

Quan tâm phát triển công nghiệp năng lượng sạch, các ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân.

Cụ thể, các mục tiêu lượng hóa như sau. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá so sánh năm 2010) đạt 10 - 11%. GDP bình quân đầu người khu vực này năm 2020 đạt 58 - 60 triệu đồng/người. Giá trị gia tăng các ngành: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5 - 6%/năm.

Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 28 - 29%; công nghiệp - xây dựng chiếm 30 - 31%; dịch vụ chiếm 39 - 40% GRDP vào năm 2020. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt 2.800 - 3.000 tỷ đồng…

Theo Hoài Thu

Chính phủ

Nguồn: Chính phủ