Dự kiến mới về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế ở châu Á. Một mặt, thay đổi này sẽ làm dịu áp lực đối với một số ngân hàng trung ương lớn trong khu vực, nhưng mặt khác lại đặt ra thách thức đối với những ngân hàng trung ương còn lại – hãng tin Bloomberg cho hay.
Kỳ vọng lãi suất tăng ở Mỹ thường có khuynh hướng hút các dòng vốn khỏi châu Á, khiến các đồng tiền trong mất giá và đẩy lãi suất trong khu vực lên cao hơn. Điều này có thể là tin vui đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), bởi hai nước này đang ứng phó với sự tăng giá mạnh không được chờ đợi của đồng nội tệ. Trái lại, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Indonesia có thể phải đương đầu với một thực tế là không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế từ Covid.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NHIỀU NƯỚC RƠI VÀO THẾ KHÓ
“Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á sẽ chịu sức ép lớn”, nhà quản lý danh mục Teresa Kong thuộc Matthews International Capital Management LLC nhận định. “Tôi cho rằng tuyên bố ngày hôm nay của Fed đặt ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi vào một vị thế chính sách kém linh hoạt hơn. Họ buộc phải dịch chuyển sang khả năng phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, cho dù nền kinh tế của họ có thể hưởng lợi từ việc giữ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn”.
Đồng USD có phiên tăng giá mạnh nhất trong 1 năm sau cuộc họp của Fed. Trong số các đồng tiền ở khu vực châu Á, đồng Peso của Philippines, Rupiah của Indonesia, và Won của Hàn Quốc thuộc nhóm giảm giá mạnh nhất so với USD trong phiên ngày 17/6.

 

“Các ngân hàng trung ương ở châu Á đang ở trong một cuộc thảo luận về việc nước nào sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, và trong số đó nước nào sẽ phải hành động trước Fed”.
Nhà quản lý danh mục Stephen Chang thuộc Pacific Investment Management

 

Phiên bán tháo ngày 16/6 trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ cũng gây áp lực mạnh lên thị trường trái phiếu một số nước ở châu Á-Thái Bình Dương phiên ngày 17/6. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của New Zealand và Australia bị bán mạnh, khiến lợi suất bật tăng.
Phần lớn các quan chức trong Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) của Fed dự báo lãi suất bắt đầu tăng từ năm 2023. Tuy nhiên, thị trường đang tính đến khả năng Fed có thể nâng lãi suất ngay trong năm 2022. Trên cơ sở này, giới đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương New Zealand sẽ phải nâng lãi suất tổng cộng khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2022, thay vì mức dự báo nâng 0,32 điểm phần trăm đưa ra trước đó.
“Các ngân hàng trung ương ở châu Á đang ở trong một cuộc thảo luận về việc nước nào sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, và trong số đó nước nào sẽ phải hành động trước Fed”, nhà quản lý danh mục Stephen Chang thuộc Pacific Investment Management ở Hồng Kông nói với Bloomberg. Ông Chang cho rằng Hàn Quốc và Australia là hai “ứng cử viên” cho việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Trong một bài phát biểu ngày 17/6, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Philip Lowe nói rằng các yêu cầu về nâng lãi suất cơ bản của nước này có thể được đáp ứng vào năm 2024 theo một số kịch bản đã được xem xét. Cũng theo ông Lowe, RBA sẽ tiếp tục rà soát các kịch bản về lãi suất trong cuộc họp vào tháng tới. Ngay sau phát biểu của ông Lowe, số liệu thị trường việc làm tháng 5 của Australia cho thấy tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ sụt mạnh còn 5,1%.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, ông Perry Warjiyo, ngày 17/5 công bố quyết định giữ nguyên lãi suất tháng thứ 4 liên tiếp. Ông Perry nói rằng đến hiện tại, phản với tuyên bố của Fed trên thị trường tài chính Indonesia là tương đối ổn định, nhưng các Ngân hàng Trung ương nước này sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác và đảm bảo sự ổn định của tỷ giá ngoại hối và thị trường tài chính”, ông Perry phát biểu.
NHỮNG NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG HƯỞNG LỢI
Đối với BOJ, sự dịch chuyển của Fed có thể mang lại một số lợi ích – theo chiến lược gia Tomo Kinoshita thuộc Invesco Asset Management. Cuộc họp tới của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 18/5. “Fed đang gửi đi một luồng gió thuận cho BOJ, bằng cách tạo áp lực cho đồng Yên suy yếu. Tất cả những gì mà BOJ cần phải làm là duy trì chính sách bấy lâu nay để đạt tới mục tiêu lạm phát còn rất xa của họ”, ông Kinoshita nói.

 

“Nếu lãi suất ở Mỹ thực sự tăng liên tục và kéo dài và đồng USD lên giá, nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ gặp thách thức, nhất là những quốc gia mà sự chênh lệch lãi suất có ý nghĩa hỗ trợ quan trọng”.
Ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thuộc Bannockburn Global.

 

Đối với PBOC, sự dịch chuyển của Fed cũng có thể là một điều đáng mừng, bởi Bắc Kinh đang chật vật ứng phó với sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ, dòng vốn chảy mạnh vào nước này, và giá hàng hoá cơ bản leo thang. PBOC gần đây đã đưa ra nhiều cảnh báo về kỳ vọng tiếp diễn vào sự tăng giá của Nhân dân tệ. Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng tới 0,8% trong phiên ngày 17/6, trở thành một trong những chỉ số tăng tốt nhất khu vực phiên này.
Theo ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thuộc Bannockburn Global Forex cho rằng việc Fed đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến châu Á và các khu vực khác. “Nếu lãi suất ở Mỹ thực sự tăng liên tục và kéo dài và đồng USD lên giá, nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ gặp thách thức, nhất là những quốc gia mà sự chênh lệch lãi suất có ý nghĩa hỗ trợ quan trọng”, ông Chandler nói.

Nguồn: An Huy / VnEconomy