Nỗ lực lớn, linh hoạt thích ứng
Đại dịch Covid-19 kéo dài đã, đang và sẽ tiếp tục gây tác hại toàn diện trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay đã trải qua bốn đợt dịch. Quy mô và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Theo Ban Kinh tế Trung ương, dịch bệnh trong hai năm 2020-2021 đã gây tổng thiệt hại cho nền kinh tế cả nước ít nhất khoảng 40 tỷ USD, cộng đồng doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, suy giảm cả về lượng và hiệu quả hoạt động...
Trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành các Kết luận, Thông báo, Công điện; Tổng Bí thư đã ra Lời kêu gọi; Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên thảo luận, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược để cả nước nỗ lực phòng, chống dịch.
Quốc hội cho phép Chính phủ áp dụng một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, kể cả cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, qua thực tiễn tình hình trong nước và quốc tế, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Theo đó, cả nước chính thức chuyển hướng chiến lược chống dịch chủ động và linh hoạt thích ứng với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế; phân cấp rõ ràng và tạo sự thống nhất trong chỉ đạo; đẩy mạnh tiêm chủng, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, lấy người dân là “chiến sĩ”, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, như y tế, quân đội, công an... với sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tình hình phòng, chống dịch đã có chuyển biến tích cực.
Đến nay, hầu hết các địa phương duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nơi đủ điều kiện, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và có nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Báo cáo số 422/BC-CP về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, về tổng thể, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh; lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát… Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát.
Chịu nhiều tổn thất khá nặng nề cả về con người và kinh tế do đại dịch Covid-19, 2021 là một năm khó khăn nhưng không thất vọng và ghi nhận bản lĩnh vượt khó của Việt Nam.
Cú hích trăm năm cho chuyển đổi số
Trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã khiến các căng thẳng thương mại được xoa dịu hơn trong ngắn hạn, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho các quốc gia biết nắm bắt cơ hội, nhất là thúc đẩy kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ số và xã hội số.
Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế số, thể hiện qua lượng dữ liệu cực lớn được luân chuyển trên hệ thống Internet. Lưu lượng dữ liệu toàn cầu hàng tháng dự kiến sẽ tăng từ 230 exabyte năm 2020 lên 780 exabyte vào năm 2026. Quy mô của thị trường Internet of Things (IoT)-Internet vạn vật toàn cầu là 308,97 tỷ USD năm 2020, tăng lên 381,30 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 1,85 nghìn tỷ USD vào năm 2028.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tạo áp lực và cả động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn…
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021 là một năm rất đặc biệt khi “Covid-19 là cú hích trăm năm cho chuyển đổi số” cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến.
Đó cũng là lý do, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông của Việt Nam đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2021, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0...
Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 34 nền tảng số Make in Viet Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số như: VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia. Với tinh thần “Make in Viet Nam”, các doanh nghiệp không chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài mà vươn lên, sản xuất và làm chủ những sản phẩm, nền tảng công nghệ chuyển đổi số trong nước.
Đặc biệt, doanh thu ngành thông tin và truyền thông ước đạt hơn 136 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 18,779 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng doanh thu (so với mức hơn 3,68 tỷ USD của năm 2018, hơn 11 tỷ USD năm 2019, gần 13,4 tỷ USD năm 2020). Bên cạnh đó, giá trị của Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp vốn FDI chiếm khoảng 15% (hơn 17,6 tỷ USD).
Bộ Ngoại giao tiên phong, đồng hành với địa phương, doanh nghiệp và người dân trong chuyển đổi số nông nghiệp
2022 - Năm bản lề chuyển đổi số
Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí...
Hướng mạnh đến mục tiêu năm 2025, cả nước có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, với ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD. Có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên một tỷ USD. ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang “Make in Viet Nam”, tức làm sản phẩm tại Việt Nam, đạt trên 45%.
Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bằng từ hai đến ba lần tốc độ tăng trưởng GDP. Giá trị tăng thêm của doanh nghiệp công nghệ số “Make in Viet Nam” tăng gấp hai lần. Phát triển bốn loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt số lượng 100 nghìn doanh nghiệp; trong đó, ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD…
Để thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam cần phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số và quản lý pháp luật số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đòi hỏi sự điều chỉnh trong khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số hoạt động và sản xuất kinh doanh…
Vì vậy, năm 2022, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số; Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng, phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Nguồn: TS. NGUYỄN MINH PHONG/TGVN