Khai thác tiền điện tử tiêu tốn lượng điện khổng lồ
Trong vòng một vài năm trở lại đây, phạm trù tiền điện tử trở nên phổ biến, được các chuyên gia kinh tế, công nghệ thông tin và một bộ phận cộng đồng công nhận sử dụng ngày càng rộng rãi.
Trong số đó, Bitcoin vẫn là tiền điện tử nổi tiếng nhất. Đồng tiền kỹ thuật số này phụ thuộc nguồn cung cấp điện và sức mạnh tính toán khổng lồ.
Tác động môi trường của việc khai thác tiền điện tử ngày càng được thảo luận nhiều.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Cambridge cho biết, tiền điện tử đắt nhất và nổi tiếng cho đến nay là Bitcoin, tiêu thụ nhiều điện để đảm bảo hiệu suất khai thác và duy trì hoạt động. Ước tính vào năm 2019, điện để khai thác Bitcoin và đảm bảo khả năng hoạt động của mạng lưới này đã vượt quá mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của Thụy Sỹ.
Vào năm 2021, các nhà khoa học từ Đại học Cambridge tiếp tục công bố những kết quả nghiên cứu mới. Theo các nhà khoa học Anh, việc khai thác Bitcoin cần đến 2020 TWh (terawatt giờ) điện để được tạo ra 123,99 Bitcoin trung bình trong vòng 1 năm. Con số này nhiều hơn lượng điện Argentina hoặc UAE tiêu thụ trung bình mỗi năm (tương ứng là 121 TWh và 113,2 TWh).
Việc khai thác và duy trì Bitcoin hiện chiếm khoảng 0,57% tổng lượng điện mà nhân loại tiêu thụ.
Cũng theo ước tính của chuyên gia từ Cambridge cho thấy nếu lấy lượng điện tiêu thụ hàng năm để đào Bitcoin có thể đun sôi một ấm điện liên tục trên toàn châu Âu trong khoảng 4 năm, cũng như nhu cầu điện của Đại học Cambridge trong 704 năm tới.
Các tập đoàn lớn từ chối Bitcoin vì gây hại môi trường
Vào tháng 3, sự phát triển và tốc độ của Bitcoin bước sang trang mới khi tỷ phú người Mỹ Elon Musk bắt đầu quan tâm đến nó. Ông công khai ủng hộ tiền điện tử trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.
Vị thế của Bitcoin được nâng lên nhiều bởi quyết định của Elon Musk và tập đoàn Tesla khi doanh nghiệp sản xuất xe điện này chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử.
Ngày 24/3, Tesla đã thực hiện thành công cuộc giao dịch bằng tiền Bitcoin đầu tiên. Tuy nhiên, phương thức thanh toán này chỉ áp dụng đối với công dân Mỹ. Đồng thời, Elon Musk lưu ý rằng nhà sản xuất ô tô sẽ không chuyển đổi tiền điện tử nhận được thành tiền mặt truyền thống.
Thậm chí trước đó, vào đầu tháng 2/2021, Tesla đã mua lại số Bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD. Mặc dù giao dịch này sẽ không ảnh hưởng đến thị trường Bitcoin khổng lồ, nhưng sự công nhận chính thức của tiền điện tử bởi một công ty lớn mang lại hiệu ứng tích cực đến hệ thống tiền tệ hiện nay.
Tháng 5 vừa qua, lại chính Elon Musk bất ngờ đưa ra tuyên bố rằng Tesla tạm ngừng bán ô tô điện thanh toán bằng Bitcoin. Nhà sản xuất ô tô này sẽ không chấp nhận tiền điện tử cho đến khi chúng được khai thác bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng bền vững thân thiện với môi trường.
Trên mạng xã hội Twitter, Elon Musk viết rằng Tesla lo ngại về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Đặc biệt là than, loại nhiên liệu có lượng phát thải ô nhiễm nhất để khai thác tiền điện tử và duy trì hoạt động của Bitcoin.
Dùng năng lượng tái tạo để khai thác
Được biết, ngày nay một số lượng lớn các trang trại tiền điện tử tập trung ở bán đảo Scandinavia và ở vùng Siberia, Nga. Nhờ nhiệt độ không khí thấp, cho phép những kinh doanh khai thác tiền điện tử tiết kiệm tiền nhờ vào việc làm mát tự nhiên các trang trại đào Bitcoin. Đồng thời, ở Scandinavia, năng lượng tái tạo thường được sử dụng nhiều hơn để khai thác tiền điện tử mà không gây ô nhiễm nào trong bầu khí quyển của Trái đất.
Theo ước tính của công ty đầu tư CoinShares của Anh, tổng thị phần năng lượng tái tạo trong khai thác Bitcoin đạt 73%. Dự báo này dựa trên thực tế là hầu hết các trung tâm khai thác lớn ở Scandinavia, Siberia hoặc Tây Nam Trung Quốc đều nằm trong các khu vực có tiềm năng phát triển thủy điện.
Nhiều quốc gia nơi các trang trại tiền điện tử lớn hoạt động đang phát triển năng lượng thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Bán đảo Scandinavia đạt được một bước tiến vượt bậc trong việc phát triển năng lượng gió. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tích cực phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời và điện gió.
Tất nhiên, tiền điện tử đã và đang có tác động đến hệ sinh thái của Trái đất, song đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Một lượng lớn năng lượng và tài nguyên được dành cho việc sản xuất các phần cứng máy tính, phát triển và phát hành chip và những card đồ họa, cùng với nhiều thứ cần thiết khác cho việc khai thác tiền điện tử.
Bản thân việc sản xuất như vậy đã tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên, bao gồm đất hiếm và kim loại quý. Đồng thời, việc sản xuất bảng mạch điện tử gây ô nhiễm môi trường và bản thân các bảng này là vật liệu không phân hủy trong tự nhiên.