Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.135 VND/USD (tăng 5 đồng so với cuối tuần qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.050 VND/USD (không đổi).
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.530 đồng/USD và bán ra 23.580 đồng/USD, giá mua và giá bán đều không đổi so với cuối tuần qua.
Tỷ giá USD ngày 09/5/2022
ĐVT: VND/USD
USD thế giới
USD Index hiện ở mức 103,79 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD giảm 0,09% ở mức 1,0539. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,06% ở mức 1,2333. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,13% ở mức 130,71.
Theo Investing, đồng USD mở cửa tuần mới vẫn dao động quanh mức cao nhất trong hai thập kỷ. Sức mạnh của đồng bạc xanh đang thắt chặt các điều kiện tài chính khi nền kinh tế thế giới đang đối mặt với viễn cảnh suy thoái.
Mức tăng 8% của chỉ số USD trong năm nay có thể sẽ không đảo ngược trong tương lai gần. Đồng USD vẫn là nơi trú ẩn an toàn hấp dẫn trong bối cảnh các chỉ báo suy thoái tài chính bằng USD từ Barclays đang gần mức cao nhất trong bảy năm. Các phân tích từ Barclays cũng cho biết các dữ liệu trong quá khứ sẽ khiến chỉ số USD có thể tăng thêm 2% đến 3%.
Đợt tăng giá mới nhất của đồng USD đã ảnh hưởng đến các đồng tiền G10 khác cũng như các đồng tiền từ các nước đang phát triển có thâm hụt cán cân thanh toán lớn. Mặc dù sự suy yếu tiền tệ thường có lợi cho các nước châu Âu phụ thuộc vào xuất khẩu và Nhật Bản, nhưng nó sẽ không còn hiệu quả khi lạm phát cao ngày càng gia tăng do nhiên liệu nhập khẩu và các chi phí đầu vào trở nên đắt đỏ hơn.
Lạm phát khu vực đồng euro đạt kỷ lục 7,5% trong tháng này và các nhà lập pháp Nhật Bản đang lo lắng khi đồng yen hiện ở mức thấp nhất trong 20 năm. Những lo ngại về tăng trưởng có thể ngăn cản các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở châu Âu và Nhật Bản, thắt chặt chính sách như những gì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm.
Đồng USD tăng giúp thắt chặt các điều kiện tài chính, phản ánh sự sẵn có của nguồn vốn trong nền kinh tế. Ngoài ra khi USD tăng giá, các nước đang phát triển phải thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm giá đồng tiền của họ, nếu không sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát và tăng chi phí trả nợ bằng đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh hơn cũng làm cho hàng hóa tính bằng USD đắt hơn đối với người tiêu dùng không sử dụng USD, làm giảm cầu và giá. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa xảy ra vào thời điểm này do cuộc chiến ở Ukraine và việc phong tỏa dịch bệnh ở Trung Quốc đã cản trở hoạt động sản xuất và buôn bán các mặt hàng chính.
Societe Generale ước tính đồng USD tăng giá 10% khiến lạm phát tiêu dùng của Mỹ giảm 0,5 điểm phần trăm trong một năm. Sự tăng vọt của đồng USD cho đến nay vẫn chưa giúp hạ nhiệt giá khí đốt của Mỹ đang ở mức kỷ lục. Thị trường tiền tệ dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 200 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm và lãi suất điều hành sẽ đạt đỉnh khoảng 3,5% vào giữa năm 2023. Tuy nhiên, nếu dữ liệu lạm phát tháng 4 của Mỹ cho thấy áp lực giá cả lên đến đỉnh điểm, thì thị trường có thể sẽ thay đổi dự đoán.