Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.106 VND/USD (không đổi so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.050 VND/USD (không đổi).
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.250 đồng/USD và bán ra 23.300 đồng/USD, giá mua và giá bán cùng tăng 10 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 15/4/2022
ĐVT: VND/USD

Tỷ giá USD ngày 15/4/2022 vẫn trong xu hướng tăng

Giá USD thế giới tăng
USD Index tăng 0,46% lên 100,34 theo ghi nhận lúc 06h30 (giờ Việt Nam) sau khi chạm mức 100,76 trước đó, cao nhất kể từ tháng 4/2020. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,15% xuống mức 1,0815. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,10% lên 1,3065. Tỷ giá USD so với yen Nhật đã tăng 0,18% lên mức 126,11.
Theo Investing, đồng USD mở rộng đà tăng sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng trong tháng 3, chủ yếu được thúc đẩy bởi giá xăng và thực phẩm cao hơn.
Lợi suất trái phiếu ngắn hạn khu vực châu Âu và đồng euro đã giảm vào hôm qua khi thị trường tỏ ra thất vọng trước việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kết luận sẽ không vội tăng lãi suất, trái ngược với nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ECB chưa có khung thời gian rõ ràng về thời điểm lãi suất sẽ bắt đầu tăng, có thể sẽ là vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi kết thúc nới lỏng định lượng.
Trước đó trong những tuần gần đây, lợi suất trái phiếu đã tăng cao hơn khi các nhà đầu tư đặt cược ECB sẽ tăng lãi suất sớm để kiềm chế lạm phát khu vực đồng tiền chung. Nhưng ECB đã kết thúc cuộc họp mới đây với sự thận trọng và không đưa ra cam kết nào ngoài việc xác nhận kế hoạch kết thúc cắt giảm chương trình mua trái phiếu đã thực hiện vào tháng 3.
Kỳ vọng tăng lãi suất hạ nhiệt cũng khiến đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua là 1,0758 USD. Một số nguồn tin cho rằng ECB vẫn có thể tăng lãi suất vào tháng 7 nhưng đã chọn cách thận trọng trước các lựa chọn do tình hình không ổn định ở Ukraine. Trong khi đó, đồng yen đang ghi nhận những nhịp điều chỉnh đi ngang, hiện đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 20 năm so với USD. Hơn 3/4 các công ty Nhật Bản cho biết đồng yen giảm giá như những phiên vừa qua đã gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương khác cũng đang tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ, củng cố kỳ vọng về lãi suất cao hơn trên toàn cầu. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã gây bất ngờ cho thị trường khi tăng lãi suất, trong khi các nhà chính sách tiền tệ Singapore cũng chọn giải pháp thắt chặt, đưa đồng đô la Singapore lên mức cao nhất kể từ tháng 2. Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Canada và New Zealand đều tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, là mức tăng lớn nhất trong vòng 20 năm.
Ở một diễn biến khác, đồng rubble của Nga đã suy yếu vào hôm qua do kỳ vọng Nga có thể sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn tạm thời. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nga đang xem xét nới lỏng các yêu cầu đối với doanh thu bằng ngoại tệ của các công ty xuất khẩu khi họ phải bán 80% doanh thu ngoại hối trong ba ngày đầu tiên sau khi nhận được. Đây là quy định của Tổng thống Vladimir Putin đặt ra vào cuối tháng 2 để hạn chế sự biến động trong bối cảnh Nga chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đồng rubble vừa ghi nhận ở mức 80,90 USD, giảm từ mức mạnh nhất mà nó đạt được vào tuần trước.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC