Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.100 VND/USD (giảm 35 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.050 VND/USD (không đổi).
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.325 đồng/USD và bán ra 23.365 đồng/USD, giá mua giảm 25 đồng và giá bán giảm 55 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 31/3/2022
ĐVT: VND/USD

Tỷ giá USD ngày 31/3/2022 đồng loạt giảm

Tỷ giá USD thế giới giảm
USD Index giảm 0,55% xuống 97,900 ghi nhận lúc 06h20 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,04% lên 1,1159. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,06% lên 1,3139. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,21% lên 122,06.
Theo Reuters, tỷ giá USD giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần trở lại đây trong bối cảnh những dấu hiệu lạc quan về cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine dần lu mờ, đồng thời sự quan tâm của các nhà đầu tư chuyển sang những dữ liệu về kinh tế và kỳ vọng lãi suất.
Phần lớn sự suy yếu của đồng bạc xanh là do đồng euro có xu hướng tăng trở lại sau lời hứa của Nga về việc giảm các hoạt động quân sự tại Kyiv. Các nhà phân tích của JPMorgan nhận định sự thay đổi giọng điệu trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga -Ukraine cho thấy "cuộc xung đột có thể đang chuyển sang một giai đoạn cục bộ hơn với khả năng giảm nhẹ một số kịch bản rủi ro cực đoan”. Tuy nhiên, Mỹ cảnh báo rằng Nga vẫn tiếp tục bắn phá vùng ngoại ô Kyiv và một thành phố bị bao vây ở miền bắc Ukraine.
Trong khi sự lạc quan về các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv dần mờ nhạ, các báo cáo lạm phát chỉ ra rằng chi phí gia tăng và ngày càng leo thang bởi cuộc xung đột của Nga và Ukraine sẽ buộc châu Âu phải tăng lãi suất sớm hơn, từ đó hỗ trợ đồng euro.
Derek Holt, Giám đốc bộ phận kinh tế thị trường của Scotiabank Economics, cho biết đồng euro đã tăng giá nhẹ so với USD trước khi kết quả lạm phát cho tháng 3 được công bố. Theo dữ liệu sơ bộ, lạm phát hàng năm của Đức đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm vào tháng 3 do giá khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ tăng vọt. Dữ liệu CPI tháng 3 của Tây Ban Nha cho thấy giá cả tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/1985.
Trước đó, đồng euro gặp nhiều trở ngại khi đồng bạc xanh liên tục tăng giá từ đầu năm nay nhờ kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có động thái thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn so với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Ở một diễn biến khác, đồng yen Nhật đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 7 năm so với USD sau khi cuộc họp giữa Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda và Thủ tướng Fumio Kishida làm dấy lên dự đoán rằng chính phủ đang cảm thấy không hài lòng với tình trạng đồng tiền này suy yếu.

Nguồn: Vinanet/VITIC