Nhà đầu tư tiền tệ chuyển hướng mua USD trong bối cảnh Châu Âu lâm vào làn sóng Covid-19 lần thứ 3 và khả năng Mỹ sẽ tăng thuế để đảm bảo tài chính cho Chính phủ thực hiện các kế hoạch kinh tế cho đến khi lạm phát đạt mức kỳ vọng.

Khu vực đang gặp nhiều khó khăn và phải tái phong tỏa kéo dài do việc tiêm vắc xin Covid-19 gián đoạn. Mặc dù Đức rút lại kế hoạch phong tỏa nghiêm ngặt trong kỳ nghỉ lễ Phục Sinh song nhà đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng kinh tế của khu vực này.

Đồng USD đã liên tiếp tăng trong thời gian gần đây. Tapas Strickland, giám đốc phụ trách kinh tế và thị trường của Ngân hàng Quốc gia Australia đã viết trong một lưu ý tới khách hàng của mình: "Câu chuyện về việc Hoa Kỳ vượt trội so với châu Âu sẽ vẫn còn tiếp diễn trong quý tới".

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm duy trì quanh mức cao 1,6%. Một tuần trước, tỷ suất này là 1,754%.

Trong phiên giao dịch 25/3 ở Châu Á, đồng Euro được giao dịch ở mức gần thấp nhất trong vòng 4 tháng, là 1,1809 USD, trong khi chỉ số dollar index (so sánh USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) duy trì sát mức cao nhất 4 tháng, là 92,617 như lúc đóng cửa phiên 24/3 ở Phương Tây.
Đồng USD sáng nay tăng 0,2% so với yen Nhật lên 108,905 JPY/USD. Yen cũng là một tài sản trú ẩn an toàn khác.
Sáng 25/3, một số đồng tiền đã hồi phục nhẹ so với USD giữa bối cảnh chứng khoán Châu Á tăng điểm. AUD - một đồng tiền có độ rủi ro cao - tăng 0,3% vào trưa nay, sau khi giảm xuống 0,7579 USD chỉ vài giờ trước đó, mức thấp nhất kể từ ngày 2/2. Bảng Anh tăng 0,2% lên 1,3675 USD, thoát khỏi mức thấp nhất 6 tuần.
Minori Uchida, nhà phân tích tiền tệ trưởng của MUFG Bank, cho biết: “Lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn của Mỹ giảm dần là một yếu tố rất quan trọng để cải thiện tâm lý thị trường" bởi "Ngay cả khi lợi suất là 1,6 hoặc 1,7% thì cũng không đủ để đẩy đồng USD tăng liên tục."
Ngày 24/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đều bày tỏ tin tưởng vào sự hồi phục kinh tế Mỹ. Bà Yellen nói với các nhà lập pháp Thượng viện rằng bà sẵn sàng cho các ngân hàng mua lại cổ phiếu và trả cổ tức, một quan điểm mới nhất cho thấy niềm tin của bà vào triển vọng kinh tế. Ông Powell cũng cho biết ông tin rằng năm 2021 sẽ là một năm "(tăng trưởng) rất, rất mạnh với triển vọng mang tính khả thi cao nhất."
Tuy nhiên, trước đó một ngày, Bộ trưởng Tài chính đã đưa thị trường vào tình trạng báo động sau khi bà tán thành việc tăng thuế để chi trả cho các kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư khác của Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang nỗ lực thực hiện các ưu tiên tốn kém trong chương trình nghị sự, trong đó có việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. 
Lạm phát ở Mỹ có thể cũng sẽ tăng lên do dự gián đoạn trong chuỗi cung ứng gây áp lực chi phí cho các nhà sản xuất, giữa bối cảnh hoạt động của nhà máy ở Mỹ bắt đầu tăng từ đầu tháng 3.
Trong khi đó, ở châu Âu, tăng trưởng bất ngờ trong hoạt động kinh doanh không giúp làm cho tâm lý nhà đầu tư bớt lo ngại, giữa bối cảnh một đợt giãn cách xã hội mới ở nhiều quốc gia thành viên, cho thấy hoạt động kinh doanh, sản xuất sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng đến tháng 4. Theo chiến lược gia Kim Mundy của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, những lo ngại đã gia tăng vì làn sóng lây nhiễm thứ ba phần lớn là do chủng vi rút đến từ Vương quốc Anh thúc đẩy. Ông viết trong một thông báo: “Nguy hiẻm là chủng vi-rút dễ lây lan và chết người hơn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ hơn từ các chính phủ châu Âu - vốn sẵn sàng phong tỏa châu Âu lâu dài hơn”.
Bà nói: “Việc châu Âu chậm mở cửa trở lại sẽ làm gia tăng sự khác biệt về triển vọng kinh tế giữa châu Âu và Mỹ,” từ đó gây thêm áp lực lên đồng euro.
CNY giảm tiếp xuống mức thấp nhất 2 tuần so với USD sáng nay. Theo đó, CNY giao ngay trưa nay ở mức 6,5326, vìa giờ trước đó xuống chỉ 6,5282 CNY/USD. Sau khi tăng hơn 6% trong năm 2020, CNY chắc chắn sẽ ngừng tăng so với USD trong năm nay do đồng bạc xanh mạnh lên khi dịch Covid-19 ở Mỹ dần được kiểm soát.
 

Nguồn: VITIC/Reuters