Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú.
25 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%.
Việc xuất khẩu tăng trưởng quá “nóng” ở một số mặt hàng có thể dẫn đến nguy cơ bị điều tra và áp đặt thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và cả chống lẩn tránh. Đặc biệt, việc cán cân xuất nhập khẩu vẫn nghiêng về phía doanh nghiệp khối FDI cũng cần phải thay đổi. TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu không sẽ bị thua doanh nghiệp FDI trên chính “sân nhà”.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 84 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 58 tỷ USD, tăng 31,2%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,58 tỷ USD, tăng 15,8%; nhóm hàng thủy sản đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,4%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tiêu biểu nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu vẫn là dệt may. Theo Bộ Công Thương, trong gần 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh, nhanh chóng phục hồi doanh thu, lợi nhuận. Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex trong 6 tháng qua đã có doanh thu thuần đã đạt khoảng 3.377 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; hiệu quả sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ và hầu hết các đơn vị thành viên của Vinatex đã tăng so với cùng kỳ.
Hay với nhóm hàng công nghiệp, thép cũng là mặt hàng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, riêng 5 tháng đầu năm 2021, sản phẩm tôn thép của Tập đoàn Hoa Sen đạt sản lượng bán hàng khoảng 776.000 tấn, trong đó, lượng hàng xuất khẩu chiếm gần 512.000 tấn trong số này. Nhờ đó, doanh nghiệp này đã báo lãi lớn, chỉ riêng tháng 5 đã đạt lợi nhuận sau thuế hơn 600 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn hàng vẫn gia tăng
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, đơn hàng cho các tháng còn lại của năm 2021 tiếp tục tăng, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng cho tới cuối năm 2021. Ước tính đơn hàng tăng 30% so với năm 2020. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao, Ngoài ra, lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giúp ngành gỗ Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU. Xuất khẩu gỗ sang thị trường Canada cũng đang tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Duơng (CPTPP), đặc biệt là đối với nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Đặc biệt, trước những con số đầy khả quan của kim ngạch xuất nhập khẩu, các ngành dịch vụ liên quan cũng đạt tăng trưởng cao. Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 903,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, cùng kỳ năm 2020 giảm 7,8%.
Tuy nhiên, những con số trên cũng đã cho thấy một vấn đề là nhập siêu đã quay trở lại tại Việt Nam, khi 6 tháng đã nhập siêu 1,47 tỷ USD. Tiêu biểu nhất là việc mặt hàng đường nhập khẩu đang chiếm lĩnh thị trường, khiến đường trong nước tồn kho cao. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 5/2021, loại đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (lẩn tránh thuế chống phá giá và chống trợ cấp) và đường nhập lậu từ Campuchia và Lào hoàn toàn làm chủ thị trường khiến cho đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, số lượng nhập khẩu đường vào Việt Nam từ tất cả các nguồn trong 4 tháng đầu năm 2021 đã tăng hơn 1,5 lần, với số lượng gần 540.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 341.000 tấn.