Mặc dù nhu cầu dầu thô giảm do virus corona, Riyadh đã lên kế hoạch tăng sản lượng trong tháng tới sau khi Moscow không đồng ý với đề xuất cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa của OPEC trong tuần trước. Saudi Arabia cũng cắt giảm giá bán dầu chính thức.
Nga, một trong các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cùng với Saudi Arabia và Mỹ, cũng cho biết họ có thể nâng sản lượng, bổ sung rằng họ có thể đối phó với giá dầu thấp trong 6 tới 10 năm.
Dầu thô Brent kỳ hạn giảm hơn 27% xuống 35,5 USD/thùng sau khi đầu phiên đã giảm khoảng 31% xuống 31,02 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 12/2/2016.
Dầu thô WTI giảm hơn 28% xuống 32 USD/thùng sau khi trong phiên có lúc giảm 33% xuống 27,34 USD, cũng thấp nhất kể từ ngày 12/2/2016.
Giá dầu WTI giảm mạnh nhất trong kỷ lục vào năm 1991 khi giá giảm khoảng 1/3.
Sự tan rã của tổ chức OPEC+, bao gồm các thành viên OPEC cộng với Nga và các nhà sản xuất khác, đã kết thúc sự hợp tác hơn 3 năm để hỗ trợ thị trường.
Saudi Arabia dự định tăng sản lượng dầu thô của họ lên trên 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020 sau khi thỏa thuận hạn chế sản lượng hiện nay hết hạn vào cuối tháng 3/2020. Vương quốc này đang sản xuất khoảng 9,7 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây.
Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất chủ chốt khác đã trải qua cuộc chiến thị phần trong năm 2014, điều đó đã thúc đẩy sản lượng từ Mỹ, quốc gia không tham gia hiệp ước hạn chế sản lượng và hiện nay là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.
Cuối tuần qua Saudi Arabia đã giảm giá bán chính thức tất cả các loại dầu thô giao tháng 4/2020 từ 6 đến 8 USD/thùng.
Goldman Sachs “tiên lượng cho thị trường dầu thậm chí còn khủng khiếp hơn so với tháng 11/2014, khi cuộc chiến giá như vậy bắt đầu, do nhu cầu sụt giảm đáng kể bởi virus corona”.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự bùng phát của virus corona đã phá vỡ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hạn chế các chuyến hàng đến nhà nhập khẩu dầu lớn nhất. Virus cũng đã lan sang các nền kinh tế lớn khác như Ý và Hàn Quốc.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu có thể giảm vào năm 2020, lần đầu tiên kể từ năm 2009. IEA đã cắt giảm dự báo nhu cầu gần 1 triệu thùng dầu mỗi ngày và thị trường hiện sẽ giảm 90.000 thùng/ngày.
Các ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu của họ. Morgan Stanley dự đoán Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng nhu cầu bằng không vào năm 2020, trong khi Goldman Sachs dự kiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm 150.000 thùng/ngày. Goldman Sachs cũng cắt giảm dự báo của mình về giá Brent xuống còn 30 USD cho quý 2 và 3/2020.
 

Nguồn: VITIC/Reuters