Giá dầu thô Brent tăng 3,95 USD, tương đương 4%, ở mức 101,88 USD, sau khi chạm mức cao 105,07 USD/thùng trong phiên giao dịch tuần trước đó.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 4,55 USD, tương đương 5%, ở mức 96,14 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 99,10 USD vào đầu ngày. WTI đã tăng lên tới 100,54 USD vào tuần trước.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Hynes của ANZ cho biết: Rủi ro đối với nguồn cung là rủi ro lớn nhất và nó xuất hiện trong một thị trường eo hẹp.
Nga chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu.
Căng thẳng leo thang diễn ra trước cuộc họp ngày 2 tháng 3 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và các nước sản xuất dầu lớn OPEC +. Tổ chức dự kiến sẽ bám vào kế hoạch cung cấp thêm 400.000 thùng/ngày (bpd) vào tháng Tư.
Trước cuộc họp, OPEC + đã điều chỉnh giảm dự báo thặng dư thị trường dầu cho năm 2022 khoảng 200.000 thùn/ngày xuống 1,1 triệu thùng/ngày.
Một báo cáo riêng cho thấy OPEC+ vào tháng 1 đã sản xuất ít hơn 972.000 thùng/ngày so với mục tiêu đã thống nhất của họ.
Ông Hynes của ANZ cho biết: “Thị trường quá eo hẹp cùng với việc các nhà sản xuất OPEC cũng đang gặp khó khăn trong việc nâng cao sản lượng, có nghĩa là bất kỳ vấn đề nào với nguồn cung của Nga sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trên toàn thị trường”.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2/2022, lên mức cao nhất trong 7 năm. Vào ngày 23/2/2022, giá dầu Brent đạt 98,38 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 93,47 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 108,97 USD/thùng, tăng khoảng 8% so với đầu tháng 2/2022. Tính từ đầu năm 2022, giá xăng dầu đã tăng khoảng 20%.
Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong tháng 2 bao gồm:
Giá dầu tăng mạnh do bất ổn giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, làm tăng thêm những lo ngại về nguồn cung.
Việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) vẫn chật vật tìm cách đảm bảo hạn ngạch sản xuất đã tạo ra thâm hụt năng lượng nghiêm trọng trên toàn cầu đã tác động đến giá tăng.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 1/2022 tăng 0,06 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 27,98 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Saudi Arabia, Nigeria và UAE, trong khi sản lượng giảm ở Venezuela, Libya và Iraq.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong năm 2021 (gồm NGL của OPEC) giảm 0,06 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt trung bình 63,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng điều giảm ở nguồn cung từ Brazil, Canada, Trung Quốc.
Mỹ: Sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2021 giảm 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt mức trung bình 11,21 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ năm 2021 tăng 30 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,44 triệu thùng/ngày.
Lượng dầu thô trên đất liền dự kiến giảm 0,14 triệu thùng/ngày xuống trung bình 2,24 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Đến năm 2022, sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ dự báo tăng khoảng 500.000 - 1,3 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 1/2022 tăng 0,1 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 11,28 triệu thùng/ngày. Năm 2021 đạt trung bình 10,80 triệu thùng/ngày, tăng 0,21 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,98 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 11,77 triệu thùng/ngày.
Na Uy: Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 12/2021 tăng 0,14 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt 2,11 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ tăng 28 nghìn thùng/ngày trong tháng 12/2021 so với tháng liền trước, đạt 0,27 triệu thùng/ngày. Trong năm 2021, sản lượng dầu mỏ đạt trung bình đạt 2,03 triệu thùng/ngày, tăng 0,03 triệu thùng/ngày so với năm 2020.
Trong năm 2022, sản lượng dẩu mỏ dự báo sẽ tăng 0,13 triệu thùng/ngày đạt trung bình 2,16 triệu thùng/ngày, dự báo tăng trưởng từ việc khởi động các dự án nước ngoài mới như Nova, Hod, Njord Future, Bauge và Fenja-giai đoạn 1. Johan Sverdrup giai đoạn 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 12/2021 giảm 15 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 2,84 triệu thùng/ngày. Việc bảo trì đã ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô trong năm 2021.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 12/2021 giảm 23 nghìn thùng/ngày, đạt 3,53 triệu thùng/ngày. Năm 2021 sản lượng nhiên liệu lỏng đạt 3,62 triệu thùng/ngày, giảm 0,05 triệu thùng/ngày so với năm 2020.
Trong năm 2022, dự báo nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,19 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,82 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 12/2021 giảm 0,09 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 4,20 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô năm 2021 đạt 3,99 triệu thùng/ngày, tăng 99 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2020.
Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư theo chiến lược đã hoạch định để nâng sản lượng dầu. Trong năm 2021, sản lượng dầu mỏ tăng 0,16 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 4,32 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, dự báo sản lượng dầu mỏ đạt 4,37 triệu thùng/ngày, tăng 0,04 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 12/2021 giảm 175 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,58 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 12/2021 đạt 1,23 triệu thùng/ngày, giảm 80 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Sản lượng nhựa đường đạt 1,89 triệu thùng/ngày, giảm 60 nghìn thùng/ngày so với tháng 11/2021. Sản lượng dầu thô tổng hợp và nhựa đường giảm chủ yếu là do sự cố hoạt động tại mỏ Syncrude và Firebag làm ảnh hưởng đến sản xuất vào cuối năm 2021.
Sản lượng dầu thô truyền thống đạt 1,24 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL đạt 1,18 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2021.
Sản lượng dầu mỏ của Canada
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2021 tăng 0,33 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt trung bình 5,49 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng chậm hơn, tăng 0,17 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,65 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 đạt 63,58 triệu thùng/ngày, tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Dự báo năm 2022 tăng khoảng 3,02 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 66,6 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2022 là Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Kazakhstan và Na Uy.
1.3. Nhu cầu
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc trong tháng 12/2021 tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó. Nhu cầu về xăng dầu tăng mạnh do phục hồi mạnh trong hoạt động công nghiệp và hóa dầu.
Nhu cầu về nhiên liệu bay vẫn bị ảnh hưởng bởi việc giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lây lan biến chủng Covid mới. Theo Cục thống kê và phân tích quốc gia Trung Quốc, doanh thu trong ngành hàng không dân dụng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu dầu thô năm 2021 của Trung Quốc giảm 5,4% so với năm 2020, giảm lần đầu tiên kể từ năm 2001, khi Bắc Kinh kìm lĩnh vực lọc dầu để hạn chế sản xuất dư thừa nhiên liệu trong nước, trong khi các nhà máy lọc dầu giảm lượng tồn kho.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, năm 2021 nhập khẩu dầu thô trung bình 10,26 triệu thùng/ngày, giảm 5,4% so với năm ngoái xuống còn 512,98 triệu tấn so với mức 542,39 triệu tấn của năm 2020.
Tại Trung Quốc, nhu cầu dầu mỏ vẫn tăng trưởng trong năm 2021. Các ngành kinh tế chính là giao thông vận tải, hóa dầu và công nghiệp. Nhu cầu xăng và dầu diesel tăng trong năm 2021 do sự phát triển của nền kinh tế. Nhu cầu đối với LPG và naphtha được dự đoán sẽ tăng tích cực do hoạt động thương mại phát triển.
Biến thể Omicron sẽ tác động tới nhu cầu dầu mỏ năm 2022. Tuy nhiên Thế vận hội Olympic mùa Đông diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022 và nhu cầu vận tải tăng trong dịp Tết Nguyên đán sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong quý 1/2022. Nhu cầu xăng và dầu diesel dự báo sẽ vượt qua mức trước đại dịch, trong khi nhu cầu nhiên liệu máy bay dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2022, cùng với tăng trưởng kinh tế trong linh vực công nghiệp, giao thông vận tải.
Ấn Độ: Nhu cầu nhiên liệu tại Ấn Độ tăng 0,02 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2021 so với tháng 12/2020, do phục hồi nhu cầu xăng dầu.
Trong năm 2021, nhu cầu dầu của Ấn Độ phục hồi đáng kể, gần mức đạt được trước đại dịch vào năm 2019, được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù những lo ngại về lạm phát đang được chính phủ giải quyết. Trong năm 2022, tổng nhu cầu dầu dự kiến sẽ vượt qua mức năm 2019, dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải và công nghiệp tăng, ngoại trừ nhiên liệu máy bay dự báo giảm, tuy nhiên vẫn tồn tại những rủi ro do thời tiết khắc nghiệt và dịch bệch Covid-19.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2021 so với tháng 11/2020, sau khi tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong tháng liền kề trước đó. Nhu cầu dầu mỏ tăng chủ yếu là nhiên liệu máy bay, dầu diesel và xăng do lĩnh vực du lịch tăng.
Những lo ngại về biến thể Covid mới ở nhiều quốc gia trong khu vực làm giảm nhu cầu dầu trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Tuy nhiên dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của OECD châu Âu, bao gồm cả sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Do đó nhu cầu dầu mỏ dự đoán sẽ tăng được hỗ trợ bởi lĩnh vực giao thông vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2022 lên 100,6 triệu thùng/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó, vượt qua các mức ghi nhận trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ của IEA, việc OPEC+ không đáp ứng mục tiêu sản lượng trong thời gian dài và tình trạng leo thang căng thẳng địa chính trị đã khiến giá dầu tăng lên.
IEA cảnh báo nếu tình trạng chênh lệnh giữa sản lượng dầu của OPEC+ và mục tiêu do nhóm đề ra kéo dài, căng thẳng về nguồn cung sẽ leo thang, làm tăng nguy cơ bất ổn, tạo thêm áp lực giá cả và ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Tuy nhiên, những rủi ro này sẽ giảm đi nếu các nhà sản xuất Trung Đông đang dư thừa công suất có thể bù đắp cho những nước không có khả năng tăng sản lượng.
Theo IEA, dù số ca COVID-19 vẫn tiếp tục tăng nhưng các biện pháp phòng dịch mà các chính phủ ban hành lại không nghiêm ngặt như trước đây, từ đó tác động ít hơn đến hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Nếu nhu cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hoặc nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, lượng dự trữ thấp và năng lực sản xuất tiếp tục giảm sẽ khiến các thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục đối mặt khó khăn trong năm 2022.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,6 triệu thùng/ngày. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở các nước tiêu thụ chính của OECD và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.
Trong khu vực OECD, nhu cầu dầu năm 2021 tăng 2,4 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 44,4 triệu thùng/ngày do nhu cầu xăng giảm do nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải.
Tại khu vực ngoài OECD, nhu cầu dầu năm 2021 tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 51,9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi các nước Trung Đông và Châu Phi. Kinh tế phục hồi mạnh sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu công nghiệp, nhu cầu nhiên liệu hóa dầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu năm 2021. Các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp Covid-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh. Năm 2022, nhu cầu dầu ước tính tăng 2,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Nhu cầu xăng dự đoán sẽ tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái, khi hoạt động kinh tế phục hồi trên toàn cầu. Nhu cầu dầu diesel dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao thứ 2 trong bối cảnh triển vọng kinh tế được cải thiện trong năm 2021. Các sản phẩm chưng cất sẽ được hỗ trợ phần lớn bởi nhu cầu hóa dầu mạnh ở các nước Trung Quốc, Mỹ. Ở Mỹ đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt thông qua tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa khác.
Ở khu vực ngoài OECD nhiên liệu cho vận tải và công nghiệp dự đoán sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, cùng với nguyên liệu hóa dầu, tập trung ở thị trường Trung Quốc. Ở Ấn Độ nhu cầu xăng dầu tiếp tục tăng thúc đẩy bởi kinh tế tăng trưởng vững.
Các khu vực khác của Châu Á, châu Mỹ Latinh và Trung Đông cũng được kỳ vọng sẽ có mức tăng khá do kinh tế đang có những triển vọng tích cực.
OPEC dự báo sang năm 2022, nhu cầu dầu thô trên thế giới tăng thêm 4,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,8 triệu thùng/ngày.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
Cuộc khủng hoảng Ukraine phần nào tác động mạnh tới thị trường dầu mỏ đang tăng do nguồn cung khan hiếm khi nhu cầu hồi phục sau đại dịch COVID-19. Nguồn cung đã lớn hơn so với cầu, vì vậy các công ty dầu khí đã rút hết hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã phản đối các lời kêu gọi thúc đẩy nguồn cung nhanh chóng hơn.
Nigeria vẫn giữ quan điểm của OPEC+ rằng không cần thêm nguồn cung, với lý do có triển vọng sản xuất nhiều hơn từ Iran nếu thỏa thuận hạt nhân của nước này với các cường quốc trên thế giới được khôi phục.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm gần 2%
Hợp đồng khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm gần 2% xuống mức thấp nhất gần hai tuần vào thứ Hai (28/2), khi thị trường tập trung vào dự báo về thời tiết ít lạnh hơn của Mỹ trong hai tuần tới.
Những lo ngại về nguồn cung toàn cầu đã khiến giá khí đốt và dầu ở nước ngoài tăng vọt vào thứ Hai. Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho biết thị trường khí đốt của Mỹ hầu như không thay đổi so với những gì đang xảy ra ở châu Âu, nơi giá khí đốt đã tăng tới 35% vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai.
Mỹ đã làm việc với các quốc gia khác để đảm bảo rằng nguồn cung cấp khí đốt, chủ yếu là LNG, sẽ tiếp tục xuất sang châu Âu. Nga thường cung cấp khoảng 30% đến 40% lượng khí đốt của châu Âu, với tổng lượng khí đốt khoảng 16,3 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào năm 2021.
Hợp đồng khí đốt giao sau tháng giảm 6,8 cent, tương đương 1,5%, xuống 4,402 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 15 tháng 2.
Trong tháng, giá khí đốt giao sau của Mỹ đã giảm gần 10% trong tháng 2 sau khi tăng 31% trong tháng 1.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ giảm từ mức kỷ lục 97,3 bcfd trong tháng 12 xuống 94,0 bcfd vào tháng 1 và 93,3 bcfd cho đến nay vào tháng 2, do thời tiết lạnh giá đóng băng các giếng dầu và khí đốt ở một số khu vực sản xuất trước đó.
Tuy nhiên, trên cơ sở hàng ngày, sản lượng khí đốt đã tăng trong hầu hết các ngày kể từ khi giảm xuống 86,3 bcfd trong cơn bão mùa đông vào ngày 4 tháng 2. Sản lượng vào thứ Hai đang trên đà đạt 93,4 bcfd.
Với thời tiết ấm hơn sắp tới, Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 122,7 bcfd trong tuần này xuống 109,5 bcfd vào tuần tới. Những dự báo đó thấp hơn triển vọng của Refinitiv vào thứ Sáu.
Lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ tính đến thời điểm này đạt trung bình 12,4 bcfd trong tháng Hai, tương đương với mức cao kỷ lục hàng tháng của tháng Giêng.