-Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm
-Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020
-Tồn kho xăng Mỹ giảm
Giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 2,7 USD, tương đương 2,2%, ở mức 118,51 USD/ thùng, sau khi giảm xuống mức 117,75 USD. Dầu thô Mỹ giao tháng 7 giảm 3,62 USD, tương đương 3,04%, xuống 115,31 USD/thùng, sau khi giảm xuống mức thấp 114,60 USD.
Đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 này cũng khiến đồng USD mạnh lên, với chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002.
Đồng USD mạnh hơn sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó làm giảm nhu cầu.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 100.000 thùng/ngày vào tuần trước lên 12 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết.
Dữ liệu cũng cho thấy sự gia tăng trong các kho dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ, trong khi xăng giảm bất ngờ vào cuối mùa lái xe mùa hè.
Nhu cầu dầu còn đối mặt với triển vọng ảm đạm khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nước này sẽ thực hiện một đợt phong tỏa mới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, giá dầu cao hơn và dự báo kinh tế suy yếu đang làm giảm triển vọng nhu cầu tương lai.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của tổ chức này, được gọi là OPEC +, đang khó khăn để đạt được hạn ngạch sản xuất dầu thô hàng tháng. Tình hình bất ổn ở Libya đang làm giảm sản lượng dầu của nước này.
Carsten Fritsch, nhà phân tích hàng hóa tại Commerzbank cho biết: “Do sản lượng của OPEC vẫn đang giảm đáng kể so với mức đã công bố, điều này có thể dẫn đến thâm hụt nguồn cung khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trên thị trường dầu trong nửa cuối năm”.