Giá dầu Brent tăng 2,64 USD, tương đương 2,6% lên 102,55 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,91 USD, tương đương 2%, lên 98,35 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm hơn 1 USD/thùng trong phiên trước đó, trong đó dầu Brent giảm xuống 98,86 USD/thùng và WTI giảm xuống 94,90 USD/thùng.
Đồng USD mạnh là một yếu tố chủ chốt gây áp lực lên giá dầu, và giới đầu tư đang dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát.
Giới phân tích dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau khi cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày sẽ kết thúc trong ngày 16/3.
Lãi suất tăng sẽ khiến đồng USD mạnh lên và làm giảm nhu cầu dầu, vì đồng USD tăng giá sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Dầu đã giảm xuống dưới 100 USD vào thứ Ba, lần đầu tiên kể từ cuối tháng Hai.
Giá cũng chịu áp lực trong tuần này do lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc chậm lại, khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt do biến thể Omicron của coronavirus.
Dữ liệu sơ bộ từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11 tháng 3, trong khi tồn trữ xăng giảm 3,8 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 888.000 thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ hôm thứ Ba cho biết nhu cầu dầu mỏ vào năm 2022 phải đối mặt với những thách thức từ xung đột giữa Nga và Ukraine và lạm phát gia tăng khi giá dầu thô tăng cao, làm tăng khả năng dự báo nhu cầu dầu giảm mạnh mẽ trong năm nay.