Giá dầu thế giới tăng vào đầu phiên thứ Năm (2/2) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), khiến đồng USD giảm giá.
Dầu thô Brent tăng 56 cent, tương đương 0,7%, ở mức 83,40 USD/thùng trong khi dầu thô (WTI) của Mỹ tăng 65 US cent, tương đương 0,8%, lên 77,05 USD/thùng.
Trước đó, FED ngày 2/2 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,5 - 4,75%. Đây là lần tăng liên tiếp thứ 8 và là đợt tăng lãi suất có mức tăng nhẹ nhất của FED kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022 khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.
“Lạm phát đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn ở mức cao,” ngân hàng trung ương Mỹ cho biết.
Đồng USD yếu hơn khiến dầu được định giá bằng USD trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, thúc đẩy nhu cầu mua dầu.
Giá cũng đang tăng lên trong bối cảnh Liên minh châu Âu ban hành lệnh cấm đối với các sản phẩm tinh chế của Nga vào ngày 5 tháng 2.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất vào tuần trước rằng từ ngày 5 tháng 2, EU sẽ áp dụng mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu.
Quyết định mới nhất của OPEC+được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô đã tăng gần 13% kể từ khi giảm xuống mức thấp nhất là 76 USD vào tháng trước, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế chống dịch.
Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) ngày 1/2 đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu.
Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.
Trước đó, ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 lên 2,9%, từ mức dự báo 2,7% được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, IMF cho rằng các nền kinh tế trên thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để phục hồi hoàn toàn.
Nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu được dự báo sẽ ghi nhận mức kỷ lục trong năm nay, nhờ sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo cho năm 2023 là 1,9 triệu thùng/ngày.
Sau khi tăng lên mức cao nhất trong 14 năm là gần 140 USD/thùng vào tháng 3 năm ngoái, giá dầu Brent hiện đang giao dịch trong khoảng 80-85 USD/thùng.