Giá dầu xu hướng tăng từ đầu tháng. Đến ngày 23/6, giá dầu Brent đạt 75,57 USD/thùng và dầu WTI đạt 73,72 USD/thùng. Giá tăng do các nền kinh tế châu Âu mở cửa trở lại và nhu cầu xăng dầu ở Mỹ tăng cao.

Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong tháng 6 bao gồm:

Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu được cải thiện khi tiến độ tiêm chủng COVID-19 toàn cầu đạt mức cao, lưu lượng giao thông tăng trên khắp nước Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu.

Đồng USD giảm từ mức cao nhất trong hai tháng cũng đã giúp nâng giá dầu, vì đồng USD yếu hơn khiến giá dầu trở nên rẻ hơn so với các loại tiền tệ khác.

Tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.

Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới. Doanh số bán xăng và dầu diesel của Ấn Độ đã tăng trở lại trong nửa đầu tháng 6/2021, cho thấy hoạt động tiêu thụ năng lượng của nước này đang dần phục hồi sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai.

Nguồn cung: Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 5/2021 tăng 0,63 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 93,67 triệu thùng/ngày, tăng 5,63 triệu thùng/ngày so với tháng 5/2020.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 5/2021 tăng 0,39 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 25,46 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Saudi Arabia, Venezuela và Iran, trong khi sản lượng giảm mạnh tại Nigeria và Angola.
Sản lượng dầu thô của Nigeria trong tháng 5/2021 tăng lên 8,46 triệu thùng/ngày. Tỷ trọng dầu thô OPEC trong tổng sản lượng toàn cầu tăng trong tháng 5/2021 so với tháng liền trước lên 28%.
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong tháng 5/2021 (gồm NGL của OPEC) tăng 0,24 triệu thùng/ngày so với tháng liền kề trước đó, đạt trung bình 68,21 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng chủ yếu ở Mỹ do sản lượng phục hồi sau khi sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 2.
Mỹ: Giá dầu tăng cao đã thúc đẩy các công ty dầu lửa của Mỹ tăng số giàn khoan hoạt động. Theo số liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, trong tuần kết thúc vào ngày 21/6, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ - một chỉ báo về sản lượng dầu tương lai – Số lượng giàn khoan dầu tăng tuần thứ 8 liên tiếp lên 373 giàn - cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 4/2021 giảm 0,37 triệu thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,16 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 4/2021 giảm từ mức đỉnh vào tháng 12/2020 ở mức 1,35 triệu thùng/ngày xuống mức trung bình 1,02 triệu thùng/ngày. Sản lượng nhựa đường giảm xuống 1,82 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2021. Sản lượng dầu thô truyền thống giảm 75 nghìn thùng, xuống 1,13 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL đạt 1,15 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2021.
Dự kiến nguồn cung dầu của Canada trong quý 2 năm 2021 sẽ ở mức 5,2 triệu thùng/ngày và đạt 5,5 triệu thùng/ngày trong quý 3, quý 4 ở mức 5,6 triệu thùng/ngày. Trong năm 2021, nguồn cung được dự báo sẽ tăng 0,28 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt trung bình 5,46 triệu thùng/ngày.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 4/2021 giảm 84 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 2,01 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô giảm 50 nghìn thùng/ngày xuống mức trung bình 1,73 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,03 triệu thùng/ngày so với tháng 4/2020. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ giảm 34 nghìn thùng/ngày trong tháng 4/2021 so với tháng liền trước, đạt 0,28 triệu thùng/ngày.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 4/2021 tăng 128 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 2,97 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến tháng 5/2021 sẽ tăng thêm 50 nghìn thùng/ngày và sẽ tăng trong quý II/2021 do các mỏ Atapu, Berbigao and Sururu được nâng cấp.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học tăng 0,13 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,68 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2021. Năm 2021 sản lượng nhiên liệu lỏng dự báo sẽ tăng 0,13 triệu thùng/ngày.
Mỹ: Sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2021 được dự báo giảm 0,12 triệu thùng/ngày so với năm 2020, xuống mức trung bình 11,2 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ dự báo năm 2021 sẽ tăng 0,10 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,26 triệu thùng/ngày.
Lượng dầu thô trên đất liền dự kiến giảm 0,14 triệu thùng/ngày xuống trung bình 2,24 triệu thùng/ngày. Đến năm 2022, sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ được dự báo tăng khoảng 500.000 - 1,3 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung dầu mỏ của Nga (chủ yếu do điều chỉnh sản xuất dầu thô cho năm 2021) được điều chỉnh tăng 0,03 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt trung bình 10,63 triệu thùng/ngày.
Không giống như sự tăng vốn đầu tư mạnh mẽ trong hai năm qua, chi tiêu cho E&P của ngành dầu mỏ thấp hơn so với vốn đầu tư cao hơn được phân bổ để thúc đẩy sản xuất khí tự nhiên, dẫn đến sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc tăng nhẹ 0,12 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 4,23 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 dự báo tăng khoảng 0,48 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 63,73 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2021 dự kiến là Canada, Mỹ, Na Uy và Brazil.
Nhu cầu: dầu toàn cầu trong quý 1/2021 giảm 0,06 triệu thùng/ngày so với quý I/2020, xuống trung bình 93,43 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu dầu ở châu Mỹ giảm 1,51 triệu thùng/ngày trong quý 1/2021, xuống trung bình 23,84 triệu thùng/ngày. Tại Châu Phi nhu cầu dầu tăng 0,04 triệu thùng/ngày trong quý 1/2021 so với cùng quý năm 2020, đạt 4,41 triệu thùng/ngày. Khu vực ngoài OECD nhu cầu dầu quý 1/2020 tăng 2,04 triệu thùng/ngày đạt trung bình 50,09 triệu thùng/ngày so với quý 1/2020 do nhu cầu tăng hơn dự kiến ở các khu vực Trung Đông và Châu Á.
Ấn Độ: Nhu cầu xăng của Ấn Độ tăng 0,4 triệu thùng trong tháng 4/2021 dẫn đầu mức tăng, đạt 0,68 triệu thùng/ngày.
Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 4/2021 ở mức 55,5 điểm, tăng so với 55,4 điểm trong tháng 3/2021. Chỉ số PMI dịch vụ giảm xuống 54,0 điểm từ 54,6 điểm.
Nhu cầu dầu trong quý II/2021 của Ấn Độ bị ảnh hưởng do các ca nhiễm Covid-19 mới của Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục.
Những biện pháp hạn chế trong giao thông vận tải do Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nhiên liệu dầu mỏ, sụt giảm mạnh trong các hoạt động hàng không là nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu máy bay.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu giảm 0,6 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2021. Những biện pháp hạn chế do Covid-19 đã tác động đến nhu cầu vận tải lĩnh vực hàng không. Nhu cầu sụt giảm chủ yếu ở các nền kinh tế tiêu thụ lớn như Đức, Pháp, Anh, Ý.
Dự kiến nhu cầu xăng dầu sẽ tăng trưởng trong quý II/2021, tuy nhiên vẫn chưa hồi phục so với mức trước dịch Covid-19.

Giá dầu giảm trong tuần qua do sự không thống nhất trong phiên thảo luận giữa các nhà sản xuất dầu mỏ lớn gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) liên quan tới thỏa thuận gia tăng nguồn cung. Nga và Saudi Arabia kỳ vọng sẽ nâng dần sản lượng dầu mỏ một cách thận trọng trong vòng nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, UAE từ chối tăng sản lượng khai thác dầu mỏ lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, theo đề xuất của Nga và Saudi Arabia.

Các nguồn tin OPEC + cho biết Nga đang cố gắng làm trung gian trong nỗ lực đạt được thỏa thuận tăng sản lượng. Nhà Trắng cho biết Mỹ đã có các cuộc đối thoại cấp cao với các quan chức ở Saudi Arabia và UAE.
Sau khi cắt giảm trong hơn một năm qua do dịch COVID-19 tác động mạnh tới nhu cầu thế giới, OPEC+ bắt đầu các đợt nâng dần sản lượng dầu mỏ. Kế hoạch mới nhất là tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong từng tháng trong giai đoạn từ tháng 8-12/2021.
Tuy nhiên, UAE chỉ ủng hộ tăng sản lượng trong ngắn hạn và yêu cầu có những điều khoản tốt hơn cho việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng kể từ sau tháng 4/2022. Trọng tâm của những tranh cãi giữa Saudi Arabia và UAE là vấn đề mức sản lượng "cơ sở" mà các nước thành viên OPEC+ dựa vào đó để cắt giảm hay gia tăng sản lượng.
Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Mohamed Al-Mazrouei cho rằng mức cơ sở tham chiếu 3,17 triệu thùng/ngày hiện nay của nước này là quá thấp và cần phải tăng lên khoảng 3,8 triệu thùng/ngày nếu gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, bởi lẽ năng lực sản xuất dầu mỏ của Abu Dhabi đã tăng đáng kể trong hơn hai năm qua và thậm chí có thể nâng lên ngưỡng 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Trên thực tế, UAE đang theo đuổi những thay đổi căn bản trong chính sách dầu mỏ và Abu Dhabi đã mất kiên nhẫn với quy định hạn chế sản xuất. Vì vậy, bất đồng với Saudi Arabia là điều mà giới quan sát cho là trước sau gì cũng xảy ra, đặc biệt trong thời điểm giá "vàng đen" đang tăng lên.
UAE đã đầu tư đáng kể vào việc nâng công suất dầu mỏ, ký kết nhiều thỏa thuận liên doanh với các công ty nước ngoài và cấp phép khai thác các lô dầu khí mới.
Không giống như Saudi Arabia, khi chính phủ nước này thiết lập mức trần khai thác dầu mỏ và theo đuổi quan điểm truyền thống thận trọng hơn về quản lý thị trường, UAE lại có kế hoạch tăng mạnh sản lượng nhằm tối đa hóa sớm nhất có thể nguồn lợi nhuận từ "vàng đen" và dần dịch chuyển sang các nguồn năng lượng phi dầu mỏ trong dài hạn.
Một yếu tố quan trọng khác là Abu Dhabi bắt đầu đã áp dụng các hợp đồng tương lai cho giao dịch dầu thô Murban của họ kể từ tháng 3/2021, nhằm thiết lập một tiêu chuẩn dầu Trung Đông được giao dịch tự do mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Do đó, niềm tin của thị trường đối với hợp đồng tương lai của dầu Murban sẽ phụ thuộc vào tính thanh khoản và cơ sở sản lượng đáng tin cậy, qua đó tạo thêm áp lực buộc UAE phải sản xuất nhiều dầu thô hơn.
Nếu không đạt được đồng thuận, về lý thuyết, OPEC+ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ nguyên hạn ngạch sản lượng cho giai đoạn từ tháng 8-12 năm nay, qua đó có thể làm thị trường trở nên quá nóng và khiến giá dầu tăng.
Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn là các quốc gia sẽ bỏ qua mục tiêu hạn ngạch và sản xuất nhiều hơn để tận dụng giá "vàng đen" cao hơn.
Điều này sẽ làm xói mòn những nỗ lực của OPEC+ nhằm thuyết phục các thành viên tuân thủ mức hạn ngạch theo quy định, đặc biệt là duy trì chiến lược kiềm chế sản lượng được áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 vừa qua.
Những đồn đoán về sự sụp đổ của OPEC+ có thể bị thổi phồng quá mức, song không thể phủ nhận đây là một rạn nứt nội bộ nghiêm trọng, có nguy cơ châm ngòi một "cuộc chiến giá dầu" mới.
Một điểm đáng chú ý là bất đồng chính sách dầu mỏ lại xảy ra trong chính UAE và Saudi Arabia, hai đồng minh thường liên kết chặt chẽ với nhau về các chính sách của OPEC.
Nếu OPEC+ cho phép một thành viên thay đổi đường hướng cơ sở của họ, dựa trên khối lượng tham chiếu sản lượng tại thời điểm tháng 4/2020 thay vì tháng 10/2018, điều này sẽ khiến các quốc gia thành viên khác đưa ra yêu sách tương tự.
Trong khi đó, Saudi Arabia, với tư cách là thành viên có tiếng nói lớn nhất trong OPEC, luôn muốn duy trì sự gắn kết và đặt sự đồng thuận của liên minh dầu mỏ lên hàng đầu.
Vì vậy, bất kỳ ngoại lệ đối với một quốc gia thành viên nào cũng sẽ đặt ra một tiền lệ xấu, thậm chí tạo ra người thắng và kẻ thua cuộc trong nội bộ OPEC+ và đẩy các cuộc đàm phán trong tương lai vào thế bất lợi.
Trước những thách thức nói trên, có lý do để tin rằng OPEC+ sẽ tìm cách đạt được một "thỏa thuận tạm thời". Sự bế tắc này càng kéo dài, nguy cơ OPEC+ mất quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ càng lớn, cho dù tình hình hiện tại vẫn chưa đáng lo ngại như cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga hồi năm ngoái.
Giới quan sát đã chỉ ra hai kịch bản tiềm tàng nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận mới. Kịch bản thứ nhất là giá dầu sụp đổ và rơi trở lại mức dưới 50 USD/thùng nếu các quốc gia quyết định tăng sản lượng và theo đuổi thị phần của riêng họ.
Kịch bản thứ hai là các quốc gia OPEC+ tiếp tục sản xuất theo hạn ngạch cắt giảm đã được nhất trí trước đó và giá dầu sẽ tăng do nhu cầu cải thiện. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ khó xảy ra, khi các nhà sản xuất ngoài OPEC+ như Mỹ và Canada sẽ không đứng ngoài cuộc nếu giá dầu tiếp tục xu hướng leo thang.
Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Stephen Schork tại Tập đoàn The Schork Group cho rằng OPEC+ rõ ràng không muốn cả hai kịch bản này xảy ra. Giá dầu thấp hay quá cao đều không có lợi cho mục tiêu cân bằng thị trường "vàng đen" của liên minh dầu mỏ này.
Cuối cùng, OPEC+ có thể cho phép UAE tăng sản lượng dầu mỏ trong năm nay, song vấn đề là liệu họ có sẵn lòng thỏa hiệp với yêu cầu điều chỉnh đường cơ sở tham chiếu của Abu Dhabi hay không, và quyết định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự đồng thuận trong tương lai của OPEC+.

Nguồn: VITIC/Reuters/Bnew