Trong một tuyên bố vừa phát đi, Bộ trên cho biết lệnh cấm xuất khẩu được thực hiện vào ngày 1 tháng 1 đã được nới lỏng đối với các công ty khai thác đã đáp ứng yêu cầu bán một phần sản lượng của họ để phát điện tại địa phương sau khi cơ quan nhà nước mua đủ than tại các nhà máy điện để đảm bảo lượng dự trữ đủ dùng cho 15 ngày.
"Tôi yêu cầu điều này được giám sát chặt chẽ để đây cũng trở thành thời điểm để chúng tôi cải thiện cộng tác quản lý trong nước", Luhut Pandjaitan, bộ trưởng Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư, cho biết.
Gây sóng gió qua các thị trường năng lượng toàn cầu, Indonesia đưa ra lệnh cấm xuất khẩu sau khi công ty điện lực nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) báo cáo lượng than tồn kho của các nhà máy điện giảm xuống mức thấp nghiêm trọng khiến Indonesia đứng trước bờ vực mất điện trên diện rộng. PLN phàn nàn rằng các công ty khai thác đã không thực hiện cam kết cung cấp nhiên liệu cho công ty.
Các nhà chức trách Indonesia đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng cung cấp than là do các công ty khai thác không đáp ứng được cái gọi là Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO), yêu cầu họ bán 25% sản lượng cho người mua là các nhà máy điện trong nước với giới hạn giá 70 USD/tấn.
Lệnh cấm của nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới đã đẩy giá than trên toàn cầu tăng trong tuần qua, và khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines cùng lên tiếng kêu gọi Indonesia xem xét lại chính sách xuất khẩu để hạ nhiệt giá than.
"PLN là là đơn vị tuyên bố thiếu hụt than, trong khi chúng tôi đã giúp đảm bảo nguồn cung. Hy vọng PLN sẽ sớm có tuyên bố về vấn đề này ", Bộ trưởng Năng lượng Arifin Tasrif nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (12/1). Ông cho biết, nếu chính phủ quyết định gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thì cũng sẽ chỉ gỡ bỏ một phần.
"Chúng tôi sẽ ưu tiên những người khai thác đã hoàn thành 100% nghĩa vụ DMO của họ", ông Arifin nói thêm, đề cập đến "nghĩa vụ cung cấp cho thị trường trong nước", trong đó những người khai thác phải bán 25% sản lượng của họ cho thị trường nội địa với mức giá tối đa 70 USD/tấn bán cho các nhà máy điện.
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư, Luhut Pandjaitan, hôm 10/1 cho biết
chính phủ sẽ cho phép 14 tàu chở than khởi hành sau khi được cơ quan chức năng xác minh, một dấu hiệu đầu tiên của việc nới lỏng chính sách.
Tuy nhiên, cho đến sáng thứ 4 (12/1), tất cả 14 tàu chở than vẫn chờ phê duyệt chính thức, quan chức Bộ Giao thông vận tải Mugen Suprihatin Sartoto cho biết.
Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, có khoảng 120 tàu đang xếp hàng hoặc chờ cập cảng than của Indonesia ở Kalimantan trên đảo Borneo vào ngày 12/1.
Giám đốc điều hành PLN Darmawan Prasodjo trong một bài phát biểu trên MetroTV vào cuối ngày thứ Ba (11/1) cho biết công ty đã đảm bảo cam kết 16,2 triệu tấn than, trong khi than đã được giao đủ cho khoảng 7-9 ngày hoạt động. Các quan chức chính phủ cho biết họ muốn PLN đạt được lượng than dự trữ đủ dùng trong ít nhất 15 ngày.
Trước đó, sau lệnh cấm xuất khẩu than của Indonesia phát đi hôm 1/1, một loạt các quốc gia Châu Á đã kêu gọi Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu than với lý do chính sách này sẽ gây bất lợi cho các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu để phát điện. Trong đó, mới đây nhất, ngày 10/1, Bộ trưởng Năng lượng Philippines, Alfonso Cusi, đã phải đề nghị Bộ Ngoại giao thay mặt Philippines can thiệp và kêu gọi thông qua cơ chế hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Philippines phụ thuộc tới 70% vào than nhập khẩu trong năm 2020.
Trong khi đó, từ Nhật Bản, người phát ngôn của JERA, nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản, tuần qua cũng cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cuộc đàm phán giữa ngành than địa phương và chính phủ Indonesia”, và “Trong trường hợp lệnh cấm kéo dài, chúng tôi sẽ thu mua than linh hoạt thông qua công ty con thương mại toàn cầu của mình”. Than Indonesia chiếm khoảng 19% tổng nhu cầu than của Nhật Bản trong tài khóa vừa qua. Nước này đã yêu cầu Indonesia cho phép 5 tàu đã chất đầy than được bắt đầu hành trình đến Nhật Bản.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo cũng đã gọi video với người đồng cấp Indonesia hôm 7/1 và nói rằng ông "lo ngại về lệnh cấm xuất khẩu than của Indonesia và mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Indonesia hợp tác để nhanh chóng nối lại việc xuất khẩu than".
Ngay cả các nhà sản xuất than Indonesia cũng tha thiết mong Chính phủ cho xuất khẩu trở lại.
Hendra Sinadia, giám đốc điều hành của Hiệp hội khai thác than Indonesia, cho biết tập đoàn đã tổ chức các cuộc gọi với các nhà nhập khẩu than Trung Quốc để giảm bớt lo lắng cho phía khách hàng.
Lệnh cấm của Indonesia đã khiến giá than ở Trung Quốc và Australia tăng trong tuần vừa qua, trong khi số lượng tàu dự kiến chở than cho các khách hàng lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ đã ở trong tình trạng lấp lửng ngoài khơi Kalimantan, nơi có các cảng than chính của Indonesia.
Theo Bộ trưởng Luhut của Indoneia, Chính phủ sẽ sớm tiến hành xem xét vấn đề xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu, và nếu quyết định hủy bỏ lệnh cấm thì sẽ thực hiện dần dần đồng thời đánh giá việc nối lại xuất khẩu sẽ ảnh hưởng ra sao tới việc tuân thủ các quy tắc được gọi là Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO). Theo các quy định của DMO, các công ty khai thác phải bán 25% sản lượng của họ ở thị trường nội địa cho các nhà máy điện trong nước với giá tối đa 70 USD/tấn.
Ông Luhut cho biết Chính phủ sẽ đưa ra một công thức định giá mới để PLN sẽ trả giá mua than theo giá thị trường. Công thức đó có thể liên quan đến việc thu thuế than. Các nhà chức trách Indonesia sẽ thảo luận về kế hoạch này trong vòng một tuần, và hàng tháng sẽ đánh giá việc tuân thủ DMO .
Giám đốc điều hành Hiệp hội khai thác than Indonesia Hendra Sinadia cho biết tập đoàn đánh giá cao việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu và sẽ tuân thủ các quyết định của chính phủ. Trong khi đó, PLN chưa có bình luận gì.
Chính phủ Indonesia cũng cho biết họ sẽ đảm bảo tất cả nhu cầu than năm 2022 của PLN trong vòng hai tuần sau khi nối lại việc xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro về nguồn cung trong tương lai tại các nhà máy phát điện trong nước. Công ty điện lực cho biết họ đã có 13,9 triệu tấn than dự trữ, nhưng muốn con số này là 20 triệu tấn để đạt mức tương đương sử dụng trong 20 ngày cho các nhà máy nhiệt điện của mình.
 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters