Thị trường xăng dầu thế giới tháng 5/2021 biến động nhẹ, giá dầu xu hướng tăng từ đầu tháng. Đến ngày 17/5, giá dầu Brent đạt 69,46 USD/thùng và dầu WTI đạt 66,27 USD/thùng. Giá tăng do các nền kinh tế châu Âu mở cửa trở lại và nhu cầu xăng dầu ở Mỹ tăng cao. Tuy nhiên do bùng phát dịch Covid-19 ở nhiều nước và khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Nhật Bản là hai nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 và thứ 4 thế giới đã gây áp lực giảm lên giá dầu.
Tính chung trong tháng 5, giá dầu Brent giảm 1,2%, dầu WTI không thay đổi và xăng RON 92 tại thị trường Singapore giảm khoảng 5%.
Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong tháng 5 bao gồm:
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu được cải thiện khi Mỹ bước vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu lên mức cao nhất. Nhiều nước châu Âu mở cửa trở lại nền kinh tế nhờ tỷ lệ dân số đã tiêm phòng Covid đạt mức cao.
Thông tin tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh làm gia tăng kỳ vọng cải thiện nhu cầu dầu thô, qua đó cũng tác động tới giá dầu tăng.
Dầu tăng giá sau một cuộc tấn công mạng buộc Công ty đường ống dẫn nhiên liệu hàng đầu của Mỹ Colonial đã đóng cửa toàn bộ mạng lưới cung cấp gần một nửa nhiên liệu cho Bờ Đông nước Mỹ.
Ngày 21/5, thông tin về một cơn bão đang hình thành trên Vịnh Mexico có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu. Nguy cơ xuất hiện bão đã thúc đẩy giới đầu tư mua dầu thô.
Những yếu tố tác động làm giảm đà tăng giá dầu trong tháng 5 là:
Giá dầu giảm do khả năng nhu cầu dầu tăng chậm lại ở châu Á, nơi các ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh đã khiến nhiều biện pháp hạn chế mới được áp đặt ở Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Tại Ấn Độ- nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai do đại dịch, doanh số bán xăng và dầu diesel trong nước của các nhà máy lọc dầu nhà nước đã giảm 1/5 trong nửa đầu tháng 5 so với một tháng trước đó.
Tại Mỹ, hệ thống đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline được khai thác trở lại đã bổ sung nguồn cung dầu thô từ Vịnh Mexico vào thị trường dầu thô.
Giá dầu giảm do thông tin về cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran đang tiến triển nhằm khôi phục một thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và phục hồi xuất khẩu dầu của Iran thời gian tới.
Suy đoán Fed có thể tăng lãi suất ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy các nhà đầu tư giảm mối quan tâm với dầu và các hàng hóa khác. Hơn nữa các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cũng ảnh hưởng đến giá dầu.
Ngoài ra, giá dầu đang chịu áp lực giảm giá bởi những lo ngại về sự gia tăng nguồn cung dầu thô trên thị trường thời gian tới khi OPEC+ và Saudi Arabia đã công bố lộ trình tăng sản lượng khai thác vào các tháng 6 và 7/2021.
Nguồn cung
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 4/2021 giảm 0,15 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 93,1 triệu thùng/ngày, giảm 6,45 triệu thùng/ngày so với tháng 4/2020.
Báo cáo tháng 5/2021 về chi tiết nguồn cung dầu của các nước trong khối OPEC
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 4/2021 tăng 0,03 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 25,08 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Nigeria, Iran và Saudi Arabia, trong khi sản lượng giảm mạnh tại Venezuela, Libya và Angola.
Sản lượng dầu thô của Nigeria trong tháng 4/2021 tăng lên 1,54 triệu thùng/ngày. Tỷ trọng dầu thô OPEC trong tổng sản lượng toàn cầu tăng 0,1% trong tháng 4/2021 so với tháng liền trước lên 27%.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong tháng 3/2021 (gồm NGL của OPEC) tăng 0,93 triệu thùng/ngày so với tháng liền kề trước đó, đạt trung bình 93,23 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng chủ yếu ở Mỹ do sản lượng phục hồi sau khi sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 2.
Nhu cầu
Nhu cầu dầu toàn cầu trong quý 1/2021 giảm 0,06 triệu thùng/ngày so với quý I/2020, xuống trung bình 93,43 triệu thùng/ngày.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6,0 triệu thùng/ngày, đạt 96,46 triệu thùng/ngày. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở châu Mỹ trong quý I/2021 và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ và Brazil đã điều chỉnh nhu cầu dầu.
Trong khu vực OECD, dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng 2,69 triệu thùng/ngày so với năm 2020 do nhu cầu dầu tăng đặc biệt ở khu vực OECD Mỹ- khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2021. Phục hồi nhu cầu chủ yếu là nhiên liệu vận tải, xăng và sản phẩm chưng cất.
Tại khu vực ngoài OECD, nhu cầu dầu ước tính tăng 3,27 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi Trung Quốc và các nước Châu Á khác. Kinh tế phục hồi mạnh sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu công nghiệp, nhu cầu nhiên liệu hóa dầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu năm 2021.
Các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp Covid-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh. Phần lớn những tác động kinh tế tích cực này dự báo sẽ đạt được tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021.
Nhu cầu xăng dự đoán sẽ tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái, khi hoạt động kinh tế phục hồi trên toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được cải thiện. Nhu cầu dầu diesel dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao thứ 2 trong bối cảnh triển vọng kinh tế được cải thiện trong năm 2021. Các sản phẩm chưng cất sẽ được hỗ trợ phần lớn bởi nhu cầu hóa dầu mạnh ở các nước Trung Quốc, Mỹ.
Ở khu vực ngoài OECD nhiên liệu cho vận tải và công nghiệp dự đoán sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, cùng với nguyên liệu hóa dầu, tập trung ở thị trường Trung Quốc.
Rủi ro sẽ vẫn cao trong năm 2021 do dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số nước và khu vực như Ấn Độ và nhiều nước châu Á.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự báo tăng 5,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021 đạt 96,4 triệu thùng/ngày. Dự báo của tháng 5 điều chỉnh giảm nhu cầu 100 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Điều chỉnh giảm ở châu Âu, châu Mỹ thuộc OECD và Ấn Độ.
Dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA): EIA dự báo tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 5,6 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và tăng 3,3 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Dự báo sản lượng dầu thô từ OPEC sẽ đạt trung bình 27,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021, tăng từ ước tính 25,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
Thị trường xăng dầu trong nước
Giá bán xăng dầu
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 27/5 như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 18.426 đồng/lít (ổn định so với giá hiện hành, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ BOG 1.782 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.782 đồng/lít và giá bán là 20.208 đồng/lít);
- Xăng RON95-III: không cao hơn 19.531 đồng/lít (ổn định so với giá hiện hành, nếu không chi Quỹ BOG 875 đồng/lít thì giá sẽ tăng 875 đồng/lít và giá bán là 20.406 đồng/lít);
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 14.774 đồng/lít (ổn định so với giá hiện hành, nếu không chi Quỹ BOG 593 đồng/lít thì giá sẽ tăng 593 đồng/lít và giá bán là 15.367 đồng/lít);
- Dầu hỏa: không cao hơn 13.825 đồng/lít (ổn định so với giá hiện hành, nếu không chi Quỹ BOG 483 đồng/lít thì giá sẽ tăng 483 đồng/lít và giá bán là 14.308 đồng/lít);
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.279 đồng/kg (ổn định so với giá hiện hành, nếu không chi Quỹ BOG 37 đồng/kg thì giá sẽ tăng 37 đồng/kg và giá bán là 14.316 đồng/kg).
Dự báo
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ 2 yếu tố trái chiều:
Sự bùng phát dịch Covid-19 đang tăng nhanh ở khu vực Châu Á, nhất là Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Campuchia khiến các nước đang áp dụng các biện pháp thắt chặt, hạn chế di chuyển để chống Covid-19, tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu.
Trung Quốc- nước nhập khẩu dầu thô lớn khả năng sẽ giảm lượng nhập khẩu trong bối cảnh giá dầu ở mức cao và do các kho dự trữ dầu thô đã bổ sung nhiều trong thời gian qua.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu được cải thiện khi Mỹ bước vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu lên mức cao nhất. Nhiều nước châu Âu mở cửa trở lại nền kinh tế nhờ tỷ lệ dân số đã tiêm phòng Covid đạt mức cao.
Tổng hợp dự báo về giá dầu của một số tổ chức quốc tế
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết cảnh báo nghiêm khắc từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc ngừng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch mới có thể dẫn đến biến động giá dầu nếu động thái này diễn ra.
Ngân hàng JP Morgan dự báo giá dầu Brent kết thúc năm 2021 ở mức 74 USD/thùng.
Ngân hàng Barclay dự kiến giá dầu Brent và WTI đạt trung bình lần lượt 66 USD/thùng và 62 USD/thùng trong năm nay. Họ giảm ước tính nhu cầu đối với các khu vực thị trường mới nổi Châu Á (không tính Trung Quốc) đánh dấu nguy cơ tiếp tục giảm nếu tình trạng ca nhiễm Covid gia tăng gần đây vẫn tiếp diễn.