Dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ đang giao dịch tại 49,32 USD/thùng, giảm 24 cent hay 0,5%, sau khi tăng 0,7% trong phiên trước đó. Dầu WTI đã giảm 7 trong số 8 phiên qua.
Các thương nhân cho biết một báo cáo cuối ngày 25/4 của Viện Dầu mỏ Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thô tăng 897.000 thùng trong tuần trước lên 532,5 triệu thùng đã gây áp lực cho dầu WTI.
Dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 51,88 USD/thùng, giảm 22 cent hay 0,4% so với đóng cửa phiên trước. Dầu Brent đã giảm khoảng 8,5% kể từ mức đỉnh tháng 4.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các nhà sản xuất khác gồm Nga, nhưng ngoại trừ Mỹ, đã cam kết cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay để hạn chế dư cung kéo dài trong nhiều năm qua và hỗ trợ giá.
Giá phần lớn giảm trong năm nay do tồn kho của Mỹ vẫn đầy và nguồn cung nhiên liệu toàn cầu thiết lập kỷ lục mới, bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng.
Giá trị trung bình của đường đồ thị giá dầu Brent tương lai đã giảm hơn 5 USD/thùng kể từ đầu năm nay, khi OPEC chính thức bắt đầu cắt giảm sản lượng, nghĩa là các thương nhân nghi ngờ về hiệu quả của việc cắt giảm nguồn cung.
Giá dầu Brent sụt giảm là kết quả của khối lượng dầu thô kỷ lục được xuất khẩu khắp thế giới, bất chấp việc cắt giảm.
Số liệu xuất khẩu của Thomson Reuters Eikon cho thấy rằng 50 triệu thùng/ngày đã được đặt để vận chuyển trong tháng này, tăng hơn 10% kể từ tháng 12/2016.
Mặc dù giá sụt giảm gần đây và nguồn cung tăng, một số nhà phân tích cho biết có những dấu hiệu thị trường hạn hẹp trong tương lai.
Georgi Slavov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng, kim loại màu và vận chuyển tại công ty môi giới hàng hóa Marex Spectron cho biết “nguồn cung dầu thô dường như giảm trong ba tuần tới (tính tới giữa tháng 5), sẽ hỗ trợ thị trường và tạo điều kiện để phục hồi giá”, bổ sung rằng nhu cầu cũng phục hồi chậm lại trong tháng 5.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet