Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 9%-mức tăng tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2020. Giá dầu Brent tăng 6% trong tuần.
Dầu được hỗ trợ khi thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục, trong khi báo cáo việc làm của Mỹ xác nhận thị trường lao động đang ổn định.
Ngày 6/2, giá dầu Brent tăng 50 US cent tương đương 0,9% lên 59,34 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 20/2/2020 ở mức 59,79 USD. Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 62 US cent tương đương 1,1% lên mức 56,85 USD/thùng, sau khi đạt 57,29 USD/thùng- mức cao nhất kể từ ngày 22/1/2020.
Trong tuần qua, giá dầu thô giao sau của Mỹ tăng khoảng 9%, mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ tháng 10/2020, do tồn kho của Mỹ tuần trước giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 cũng giúp giá dầu vững đà tăng mạnh.
Dầu Brent đã tăng khoảng 6% trong tuần. Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA ở New York cho biết: “Brent đang hướng tới mức 60 USD/thùng khi OPEC + đã thành công trong việc xoa dịu hầu hết các mối quan ngại về phía nguồn cung và sự lạc quan về dịch COVID được củng cố trên toàn cầu".
Việc tung ra vắc-xin COVID-19 đã mang lại hy vọng tăng trưởng về nhu cầu, nhưng ngay cả những người lạc quan, chẳng hạn như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, dự kiến thâm hụt thị trường trong suốt năm 2021, cũng không hy vọng tiêu thụ dầu sẽ trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2022.
Người đứng đầu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, Bjornar Tonhaugen, cho biết: "Điều gì đang thực sự giúp thị trường hiện nay và là lý do hợp lý hơn cho sự tăng giá mà chúng ta thấy, một lần nữa đến từ Ả Rập Xê út và công ty hàng đầu của họ, Aramco". Aramco đã tăng giá bán chính thức của Arab Light (OSP) cho Tây Bắc Âu vào tháng 3 thêm 1,40 USD/ thùng so với tháng trước. Tonhaugen cho biết điều này có thể cho thấy Ả Rập Xê út tự tin hơn vào triển vọng nhu cầu, củng cố thêm tâm lý lạc quan.
Ấn Độ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở mức 25% trong hai thập kỷ tới, khi vượt qua Liên minh châu Âu trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.
IEA cho biết mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này tăng lên ước tính 8,6 nghìn tỷ USD vào năm 2040 theo chính sách quốc gia hiện tại.
Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ sẽ khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch do sản xuất dầu khí trong nước của nước này đã bị đình trệ trong nhiều năm bất chấp các chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy thăm dò và sản xuất dầu khí và năng lượng tái tạo.
IEA cho biết nhu cầu dầu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 8,7 triệu thùng/ngày vào năm 2040 từ khoảng 5 triệu thùng/ngày vào năm 2019, trong khi công suất lọc dầu của nước này sẽ đạt 6,4 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và 7,7 triệu thùng/ngày vào năm 2040.
Nhà nhập khẩu dầu ròng lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc hiện nhập khẩu khoảng 76% nhu cầu dầu thô. IEA cho biết sự phụ thuộc vào dầu ở nước ngoài dự kiến sẽ tăng lên 90% vào năm 2030 và 92% vào năm 2040.