Cụ thể, giá xăng RON 92 giảm 76 đồng/lít; xăng E5 giảm 58 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel 0.05S tăng 142 đồng/lít; dầu hỏa tăng 76 đồng/lít; và dầu mazut 180CST 3.5S tăng 55 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn giá cơ sở: Xăng RON 92 không cao hơn 18.022 đồng/lít; Xăng E5 không cao hơn 17.760 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.447 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 12.834 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 11.378 đồng/kg.

 

Theo thông báo trên, Liên Bộ đã thống nhất giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành; chi sử dụng Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng, dầu như sau: Xăng khoáng là 0 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít); xăng E5 là 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít)...

Đối với thị trường khí hóa lỏng, Bộ Công thương đã công bố danh sách doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện để hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khí LPG (gas) và DN phân phối gas tính đến hết ngày 7.3. Trong đó bao gồm 8 DN đầu mối xuất nhập khẩu gồm Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng Miền Bắc, Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty cổ phần dầu khí V-Gas, Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM, Tổng công ty gas Petrolimex - CTCP, Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam và DNTN TM DV sản xuất Hồng Mộc. Riêng hoạt động phân phối gas gồm có 35 DN trải rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Thế giới
Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới diễn ra ảm đạm. Giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) biến động trái chiều trong phiên đầu tuần để rồi đi xuống trong cả bốn phiên liên tiếp sau đó.
Báo cáo ngày 6/3 cho hay Iraq sẽ tham gia vào nỗ lực chung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nếu OPEC gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng sang nửa cuối năm 2017, đã giúp giá dầu Brent “nhích” nhẹ phiên đầu tuần. Tuy nhiên, giá dầu WTI vẫn hạ do giới đầu tư còn thận trọng trước xu hướng đẩy mạnh sản lượng của các nhà sản xuất dầu Mỹ.
Thị trường liên tiếp đi xuống trong các phiên giao dịch liền sau đó, giữa bối cảnh dự trữ dầu của Mỹ có khả năng tăng lên mức cao kỷ lục. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Trong bản phân tích “Thị trường dầu mỏ 2017” mà IEA vừa công bố, cơ quan này cho rằng ngay cả khi giá dầu chỉ dao động trong khoảng 60 USD/thùng thì sản lượng dầu đá phiến của Mỹ vẫn sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 8/3 cho biết, lượng dầu dự trữ của nước này đã tăng 8,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/3, lên 528,4 triệu thùng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích cho biết mức tăng này đã vượt xa dự đoán của thị trường, làm dấy lên nỗị lo ngại về nguồn cung dư thừa trên toàn cầu. Ngoài ra, kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ tăng cao kỷ lục cũng làm gia tăng quan ngại về sự hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của các nước trong và ngoài OPEC.
Đáng chú ý, trong ngày 9/3, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái để tuột mốc 50 USD/thùng.
Tình hình không có vẻ sáng sủa hơn trong phiên cuối tuần (10/3), khi giá dầu tiếp tục trượt dài. Báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng 8 giàn, lên 617 giàn.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4/2017 giảm 79 xu Mỹ (1,6%), xuống 48,49 USD/thùng. Đây là mức chốt phiên thấp nhất của mặt hàng này kể từ ngày 29/11/2016.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2017 cũng hạ 82 xu Mỹ (1,6%), xuống 51,37 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI mất 9,1%, còn dầu Brent lùi 8,1%.
Nguồn: VITIC/Bnews.vn

Nguồn: Vinanet