Liên Bộ Công Thương - Tài chính có thông báo về quyết định về việc điều chỉnh giá xăng dầu ngày 5/12, theo đó mặt hàng xăng RON 92 và xăng sinh học E5 được giữ nguyên, trong khi đó giá dầu diesel 0.05S: tăng 150 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu hoả, dầu mazut 180CST 3.5S giữ mức giá ổn định như đợt điều chỉnh trước.
Như vậy, với quyết định trên thì giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không thay đổi nhiều, xăng RON 92 không cao hơn 18.580 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 18.243 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 15.169 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 13.617 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 12.382 đồng/kg.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính mức giá cơ sở trên áp dụng tại thời điểm 15 giờ 00 ngày 5/12/2017, các doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định điều chỉnh giá bán phải phù hợp với quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.
Được biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 05 tháng 12 năm 2017 là: 73,284 USD/thùng xăng RON 92; 74,231 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 74,649 USD/thùng dầu hỏa...
Giá mặt hàng ethanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 theo Công văn số 1389/BTC-QLG ngày 04 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.208,11 đồng/lít (chưa có thuế GTGT). So với giá bán tối đa kỳ trước liền kề (ngày 20 tháng 11 năm 2017), giá cơ sở kỳ này (ngày 05 tháng 12 năm 2017) chênh lệch tăng 585 đồng/lít xăng RON 92, tăng 604 đồng/lít xăng E5, tăng 538 đồng/lít dầu diesel 0.05S, tăng 485 đồng/lít dầu hỏa, tăng 239 đồng/kg dầu mazut 180CST 3.5S.
Thế giới
Giá dầu thế giới tuần qua vẫn chịu sức ép giữa những lo ngại rằng sự gia tăng hoạt động sản xuất dầu tại Mỹ sẽ làm suy yếu nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Mặc dù tăng giá ba phiên trong tuần, nhưng nếu tính chung cả tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) vẫn giảm 1,7% và giá dầu Brent giảm 0,5%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (4/12), giá dầu thế giới giảm hơn 1%, trong bối cảnh các nhà đầu tư tiến hành chốt lời sau những phiên tăng liên tiếp.
Tuần trước, giá dầu đã được hưởng lợi khi OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm chín tháng nữa, nhằm chấm dứt tình trạng dư cung “dai dẳng” trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước thống kê cho thấy sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2017.
Sang phiên giao dịch ngày 5/12, giá dầu lấy lại đà tăng, nhờ nhu cầu tăng mạnh và hiệu ứng của quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà các nước trong và ngoài OPEC vừa đưa ra cuối tháng trước.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 6/12, giá dầu WTI đã chứng kiến mức sụt giảm tính theo ngày lớn nhất trong hơn hai tháng qua. Theo số liệu chính thức, lượng dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất dầu mỏ của Mỹ đã tăng lần lượt 6,8 triệu và 1,7 triệu thùng, vượt các dự đoán được đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Anh Reuters.
Lượng xăng dự trữ thường tăng lên trong tháng cuối năm, nhưng với con số 221 triệu thùng, lượng xăng dự trữ đã tăng nhẹ so với mức bình quân tại thời điểm này trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng sản lượng dầu của Mỹ có thể lấn át những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu khác.
Giá dầu đảo chiều tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 7/12, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau đợt sụt mạnh trong phiên trước đó và quan ngại về đợt đình công của công nhân ngành dầu mỏ Nigieria.
Theo chuyên gia hàng đầu của Interfax Energy tại London Abhishek Kumar, làn sóng mua vào trên thị trường cùng với nỗi lo về một cuộc đình công lớn trong ngành dầu mỏ Nigeria đã giúp giá dầu tăng trở lại. Hiện Nigeria là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi.
Trong phiên cuối tuần (8/12), giá dầu tiếp tục đi lên, trước dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc gia tăng. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng 2/2018 tăng 1,2 USD (1,9%) lên 63,40 USD/thùng; còn giá dầu WTI giao tháng 1/2018 tăng 67 xu (1,2%) lên 57,36 USD/thùng.
Theo thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc, trong tháng 11/2017, lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng lên 9,01 triệu thùng/ngày. Ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2018, nhờ nhu cầu tại Trung Quốc tăng gần 10%.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent và WTI năm 2018 sẽ đứng ở các mức tương ứng 62 USD/thùng và 57,5 USD/thùng.
Ngân hàng này cho biết đã tính đến tác động của quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC trong dự báo giá dầu, dù không loại trừ khả năng thỏa thuận này kết thúc sớm hơn dự kiến.
Nguồn: VITIC/bnews.vn

Nguồn: Vinanet