Bắt đầu tăng tốc từ tháng 9 năm ngoái và tiếp tục được cải thiện trong 6 tháng đầu năm nay. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng so với đầu năm luôn cao hơn cùng kỳ trong 2 năm trước đó.

Tính đến 18/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6,09% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,72% của 6 tháng năm 2014 và 3,72% của 6 tháng 2013.

Tăng trưởng tín dụng cải thiện được chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) lý giải do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, lãi suất huy động giảm 0,2 – 0,5%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 6 tháng, tạo điều kiện hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay của các TCTD giảm 0,2 – 0,3%/năm, trong đó lãi suất cho vay trung và dài hạn đã giảm khoảng 0,3%/năm. Lãi suất giảm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai, sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi ngày càng mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,8% trong 6 tháng đầu năm ngoái. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam trên 50 điểm 23 tháng liên tiếp, có nghĩa là khu vực sản xuất đang tăng trưởng. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng số lượng nhân công và hoạt động mua hàng, cho thấy họ vẫn lạc quan về triển vọng trong tương lai gần. Sản xuất tăng trưởng kéo theo việc làm và sức mua tăng theo, do đó thúc đẩy tín dụng tăng trưởng.

Thứ ba, trái phiếu Chính phủ, một kênh đầu tư quan trọng của các ngân hàng, trở nên kém hấp dẫn hơn trước. Chính phủ chỉ phát hành mới trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư kỳ hạn dưới 3 năm của các ngân hàng. Mặt khác, nguồn cung khan hiếm trên thị trường sơ cấp khiếp lợi suất trái phiếu các kỳ hạn trên thị trường thứ cấp giảm thấp hơn yêu cầu của nhà đầu tư, vốn ở mức cao hơn do lạm phát được kỳ vọng sớm tăng trở lại.
 
Do đó, nguồn vốn trước kia ngân hàng dành cho kênh trái phiếu chính phủ được đưa vào cho vay sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng.

Với động lực mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm, và nhiều chính sách khuyến khích tăng trưởng tín dụng của Chính phủ, VPBS dự báo đến cuối năm 2015 tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng từ 13 - 15%, thậm chí tăng cao hơn mức 15%.

Về lãi suất, trong quý 3, lãi suất ngắn hạn có khả năng tăng lên do xu thế lạm phát bắt đầu đi lên do giá xăng và giá điện vừa được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung và dài có thể giảm thêm 0.5-1,0%/năm do lượng vốn huy động tăng lên và các ngân hàng có thể dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn, đồng thời VAMC tăng cường mua nợ xấu giúp các ngân hàng làm sạch bảng tài sản.

Thục Anh