Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) vừa công bố báo cáo đánh giá rủi ro đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, rủi ro với hệ thống ngân hàng Việt Nam xếp vào nhóm 9 cùng với các nước gồm Argentina, Campuchia, Jamaica, Kenya, Mông Cổ, Nigeria, Papua New Guinea và Tunisia

S&P cho rằng rủi ro kinh tế đối với lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam vẫn rất cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này được phản ánh qua việc Việt Nam vẫn thuộc nhóm có thu nhập, hệ thống tài chính đang phát triển và khung chính sách chưa hoàn thiện.

Theo S&P, tín dụng của khu vực tư nhân sẽ tăng lên cùng với tăng trưởng GDP danh nghĩa, giá bất động sản cũng sẽ dần ổn định. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề tài sản chất lượng thấp (stressed assets) do hệ quả của thời kỳ tăng trưởng tín dụng quá nóng 2005 – 2011, trong đó nhiều tài sản được đảm bảo bằng bất động sản.

Cũng theo cơ quan này, rủi ro tín dụng với hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn cao, thể hiện qua nợ của lĩnh vực tư nhân cao, thu nhập thấp, tài sản chất lượng thấp.

S&P cho rằng, các tiêu chuẩn quản lý của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đi sau tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, S&P cho rằng, các yếu tố như cơ sở tiền gửi, ít phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài sẽ hạn chế được các điểm yếu này. S&P đánh giá xu hướng rủi ro kinh tế của Việt Nam ổn định nhờ kinh tế bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng.
Theo S&P, chi tiêu cho cơ cở hạ tầng và xuất khẩu sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình triển khai các biện pháp cải cách cũng như hưởng thành quả sẽ diễn ra khá chậm chạp. Khả năng cấp vốn trên diện rộng vẫn là một sức mạnh tương đối, nhưng tiền gửi tại các ngân hàng vẫn có thể chịu đựng được các rủi ro xuất phát từ những sự cố trong quản trị doanh nghiệp.
Minh Phương
Theo S&P