Ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã điều chỉnh biên độ tỷ giá USD/VND từ 1% lên 2%. Trong cán cân thương mại, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất của Việt Nam.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ngày 12/8 có đưa ra phân tích về câu chuyện Trung Quốc phá giá tiền NDT và Việt Nam nới biên độ.

Nới rộng biên độ để tăng cạnh tranh nhập khẩu

Theo SSI, việc đồng NDT mất giá so với VND sẽ có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu vì mua được hàng hóa giá rẻ hơn. Như vậy, nới rộng biên độ để giữ tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. 

Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây cho dù đồng NDT luôn ở xu hướng lên giá so với đồng VND. Nguyên nhân của nhập siêu Trung Quốc xuất phát từ sự phụ thuộc về kinh tế tăng lên rõ rệt trong 10 năm qua. Việt Nam nhập chủ yếu máy móc thiết bị (mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhập khẩu) và nguyên liệu cho các ngành hàng gia công từ Trung Quốc. 

Mục tiêu của Trung Quốc khi phá giá đồng NDT là để hỗ trợ xuất khẩu. Đứng trước nguy cơ “hạ cánh cứng”, Chính phủ Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp, từ nới lỏng tiền tệ và đến nay là phá giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu. 

Trên thị trường may mặc toàn cầu, thị phần của Trung Quốc là 39%, đứng số 1, còn Việt Nam là 4%, đứng thứ 4. Các mặt hàng may mặc xuất khẩu thường có tỷ suất lợi nhuận thấp do chủ yếu làm gia công nên 3% lợi nhuận là một con số lớn. Với việc đồng tiền NDT bị phá giá hơn 3%, giá đồ may mặc Trung Quốc sẽ rẻ hơn và hàng của Việt Nam sẽ khó có thể giảm giá tương ứng để cạnh tranh. NHNN đã làm một việc tốt khi điều chỉnh biên độ tỷ giá, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Tỷ giá VND chịu nhiều áp lực
 

SSI nhận định, ngay cả khi chưa có việc Trung Quốc phá giá NDT, tỷ giá VND cũng đang chịu nhiều áp lực, bao gồm nhập siêu và đồng USD lên giá (kéo theo đồng VND lên giá) làm giảm xuất khẩu. 


Tuy nhiên, theo SSI, nếu điều chỉnh đồng VND quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cân đối vĩ mô. Việt Nam đang phải vay nợ nước ngoài lớn, các doanh nghiệp trong nước cũng đã tăng nhanh khỏan vay bằng ngoại tệ từ 2013 do lãi suất thấp và tỷ giá ổn định. Nếu điều chỉnh tỷ giá mạnh sẽ làm gia tăng áp lực trả nợ, điều không dễ dàng gì trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và tăng trưởng kinh tế chậm.  
 
Bên cạnh đó, SSI cho rằng dù FED nâng hay chưa nâng lãi suất trong tháng 9 tới, áp lực tỷ giá lên đồng VND sẽ luôn ở mức cao đến hết năm. Ngoài công cụ hành chính là biên độ, NHNN còn có thể sử dụng các công cụ khác như lãi suất hay dự trữ ngoại hối. 
 
Trung Quốc sẽ không tiếp tục phá giá đồng NDT

Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng NDT hơn 3% trong vòng 2 ngày đã khiến nhiều người lo lắng về một vòng xoáy “chiến tranh tiền tệ” mới. Điều này, theo SSI, có phần thái quá. Việc phá giá 3% đồng NDT sẽ không thực sự giúp ích nhiều cho xuất khẩu Trung Quốc bởi tỷ giá đồng NDT đã tăng hơn nhiều so với các đồng tiền khác tại Châu Á và trên thế giới. 

SSI cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không tiếp tục phá giá đồng NDT thêm nữa mà có thể sử dụng dự trữ ngoại hối hay các công cụ khác để ổn định tỷ giá. Với kinh tế đang tăng trưởng chậm, NHTW Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ bằng giảm thêm lãi suất ~0,5% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ~2% trong năm nay, đây cũng là một cách để đồng NDT không lên giá. 

Chính phủ Trung Quốc sau khi phá giá đồng NDT cũng tuyên bố không có động cơ kinh tế đằng sau việc phá giá (mặc dù điều này có thể khiến nhiều người nghi ngờ) mà chỉ là biện pháp mang tính kỹ thuật để đưa đồng NDT về gần với giá trị thị trường hơn. Thị trường, chứ không phải Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc quyết định tỷ giá NDT. 

Trong sáng nay, Trung Quốc đã tiếp tục giảm tỷ giá tham chiếu thêm 1,1%. Như vậy, tỷ giá tham chiếu của NDT được điều chỉnh từ 6,3306 NDT/USD xuống 6,4010 NDT/USD. 

Khổng Chiêm