Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Cao su VN và Tài chính Cao su có trách nhiệm thực hiện sáp nhập đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành; lập hợp đồng sáp nhập; tiếp nhận - chuyển giao các tài sản, lao động hiện có tại Tài chính Cao su.

Tập đoàn Cao su được kế thừa các nghĩa vụ, quyền và lợi ích từ Tài chính Cao su đã xác lập và còn tồn tại để tiếp tục xử lý thu hồi nợ và trả nợ, không thực hiện mới các chức năng liên quan đến hoạt động tín dụng như huy động vốn, cho vay và không nhận tiền gửi, thanh toán. Thời hạn để Tập đoàn Cao su thực hiện nghĩa vụ trả nợ và quyền thu hồi nợ sẽ chấm dứt khi Tập đoàn đã hoàn tất việc xử lý, thu hồi nợ và trả nợ theo phương án sáp nhập đã được phê duyệt.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam thu hồi giấy phép hoạt động của Tài chính Cao su ngay sau khi hoàn thành việc sáp nhập.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có trách nhiệm thực hiện điều chỉnh, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn theo các nội dung nêu trên. Chấm dứt hoạt động đối với Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam ngay sau khi thực hiện sáp nhập theo quy định hiện hành.

Thời hạn hoàn thành công việc sáp nhập trước ngày 31/12/2015.

Với việc sáp nhập Tài chính Cao su, hệ thống các công ty tài chính tiếp tục bị thu hẹp. Trước đó, các thương vụ sáp nhập chủ yếu theo hướng ngân hàng mua công ty tài chính như Techcombank mua Tài chính Hóa chất Việt Nam; HDBank mua Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF); VPBank mua Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam; Maritime Bank mua Công ty Tài chính cổ phần Dệt may. Sắp tới đây, SHB sẽ họp cổ đông thông qua việc mua lại công ty tài chính Vinaconex - Viettel và MB họp cổ đông thông qua việc mua lại tài chính Sông Đà.

 

Thục Anh