Quá 12 giờ 30 trưa, phần thảo luận tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11-7-2015 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) mới bắt đầu sau những thủ tục trình bày bắt buộc phải có theo quy định của cơ quan quản lý và phần phát biểu dài của đại diện cổ đông lớn Eximbank (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu).

Cổ đông đầu tiên lên tiếng là một phụ nữ đứng tuổi, tóc bạc, tự giới thiệu đã nắm giữ cổ phiếu Sacombank từ năm 2000. Bà hỏi ngắn gọn tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu (1 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Nam bằng 0,75 cổ phiếu Sacombank) căn cứ vào đâu? Nợ xấu không đòi được của Phương Nam chiếm bao nhiêu phần trăm, số cụ thể thế nào? Bà tự kết luận rằng sáp nhập hai ngân hàng là chuyện đã rồi, các cổ đông lớn đã quyết định rồi, những cổ đông nhỏ lẻ như bà đi dự họp chỉ là để cho biết.

Một cổ đông khác xuất thân nhà giáo, đã đồng hành suốt tháng năm dài với Sacombank, nói cô mong muốn lãnh đạo ngân hàng tập trung vào ba chữ Tâm - Tài - Tầm để đưa Sacombank đi lên. Ý kiến của các cổ đông tiếp theo phân tán trong nhiều câu hỏi khác, nhưng tựu trung lại vẫn là nợ xấu và tỷ lệ hoán đổi.

Có lẽ không nhiều doanh nghiệp trên sàn có số lượng cổ đông hùng hậu như Sacombank, 63.532 người theo danh sách chốt vào cuối năm ngoái. Hơn 600 người đã có mặt tại cuộc họp lần này. Trong thời buổi nhà đầu tư chẳng tha thiết gì với các cuộc họp đại hội đồng cổ đông, nhiều công ty niêm yết phải họp tới lần 2, lần 3 vì không đủ người tham dự, thì số người có mặt ở cuộc họp của Sacombank là một trong những minh chứng cho mối quan tâm của xã hội đối với công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Sau Sacombank, trong tháng 7-2015 đến lượt Phương Nam, Nam Á, Đông Á, Eximbank tiến hành họp đại hội đồng cổ đông (bất thường hoặc thường niên). Nội dung chủ yếu của các cuộc họp là câu chuyện hợp nhất, sáp nhập. Ngân hàng Đông Á đã đăng tải trên trang web toàn bộ tài liệu cuộc họp để cổ đông tham khảo, trong đó có tờ trình tăng vốn thông qua phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu trị giá 1.000 tỉ đồng bán cho tập đoàn Kinh Đô. Tờ trình nêu rõ “Kinh Đô là nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật để trở thành đối tác chiến lược của Đông Á”.

Tuy nhiên, trong thông tin gửi cho TBKTSG, Kinh Đô cho biết họ đang trong quá trình thẩm định và đánh giá khả năng đầu tư vào Ngân hàng Đông Á, chứ chưa có quyết định chính thức.

Việc chọn cổ đông chiến lược của Đông Á khác hẳn các ngân hàng khác ở chỗ Kinh Đô (KDC-Hose) là doanh nghiệp lớn đang rất giàu tiền tươi thóc thật. Kinh Đô đã chính thức ký hợp đồng và nhận cọc bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz của Mỹ với giá 370 triệu đô la Mỹ, tương đương 8.077 tỉ đồng. Với số tiền ấy, giờ Kinh Đô có thể mua đứt một ngân hàng. Mà Kinh Đô không phải xa lạ với giới tài chính phía Nam. Tập đoàn này đã từng có thời điểm là cổ đông tổ chức của Eximbank. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô, trong một lần trao đổi với báo chí, nói Kinh Đô đã may mắn cắt lỗ các khoản đầu tư tài chính từ sớm, nên thiệt hại không đáng kể. Nay Kinh Đô giàu có và cơ hội đầu tư vào ngân hàng rộng mở, việc tập đoàn lại quay trở lại lĩnh vực tài chính hoàn toàn có thể hiểu được.

Tái cơ cấu ngân hàng cần rất nhiều yếu tố, một trong những yếu tố cơ bản là năng lực tài chính. Giải quyết sở hữu chéo cần tiền thật. Nâng vốn điều lệ các ngân hàng để xử lý nợ xấu cần tiền thật. Mở rộng mạng lưới, đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực ngân hàng cũng cần tiền thật. Do đó kiểm soát nguồn gốc tiền đầu tư vào ngân hàng hiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Thanh tra, giám sát ngân hàng. Nếu tiền góp vốn vào một ngân hàng nào đó lại xuất phát từ tiền vay của chính ngân hàng ấy hay từ một tổ chức tín dụng khác, thì tái cơ cấu sẽ mãi là cái vòng luẩn quẩn, không tháo gỡ dứt điểm các tồn tại.

Dư luận không khỏi băn khoăn vì sao Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank hiện đang nắm giữ 101,2 triệu cổ phiếu Eximbank, tức 8,2% cổ phần ngân hàng này, lại không đề cử một đại diện cho quyền sở hữu của mình trong hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát. Thay vào đó Vietcombank dồn phiếu cho một cá nhân xuất thân từ Ngân hàng Nam Á. Trao đổi bên lề với TBKTSG, một quan chức Vietcombank cho biết cổ đông lớn nhất của Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước đại diện cho phần vốn nhà nước tại đây và thông thường cổ đông lớn có quyền đưa ra quyết định trong nhiều việc.

Có thể ai đó nêu ý kiến rằng việc sử dụng cổ phần của cổ đông lớn để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu cả Eximbank và Nam Á nói riêng, các tổ chức tín dụng khác nói chung, giúp giảm bớt đi một số ngân hàng, tiến nhanh tới mục tiêu Việt Nam chỉ nên có 15-20 ngân hàng tầm cỡ, nên được thực hiện. Họ đã quên rằng quy mô phải đi đôi với chất lượng và mọi công cuộc tái cấu trúc đều phải minh bạch, công khai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội, cho người dân, cho đất nước.

Các quy định pháp lý vẫn đang khuyến khích các ngân hàng hợp nhất, sáp nhập tự nguyện, nhưng quy định pháp lý cũng để ngỏ khả năng tiến hành hợp nhất, sáp nhập, mua lại bắt buộc để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền. Khung pháp lý cho phép cơ quan quản lý xem xét quyết định hợp nhất hai hay nhiều ngân hàng kể cả bắt buộc. Mọi quyết định công khai, minh bạch đều tốt hơn rất nhiều so với mua bán cổ phiếu ngân hàng lòng vòng bằng tiền ảo, hay vay mượn cổ phiếu, nhờ cậy cổ đông nọ cổ đông kia để được hợp nhất vào đâu đó. 

Nguồn: TBKTSG