Thống kê tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng những tháng đầu năm vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Đến 30/4, tổng tài sản của hệ thống đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng, giảm 1,09%, tức hơn 70.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.
Trong đó, tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm nhiều nhất với hơn 61.000 tỷ, xuống 2,7 triệu tỷ đồng. Kế tiếp là khối ngân hàng thương mại vốn nhà nước (gồm cả Vietinbank và Vietcombank) giảm hơn 2.876 tỷ đồng, còn khoảng 2,9 triệu tỷ đồng. Khối ngân hàng liên doanh nước ngoài cũng hụt gần 15.800 tỷ đồng. Riêng khối công ty tài chính và các tổ chức tín dụng hợp tác có tài sản tăng 3,4% và 7,1% sau 4 tháng hoạt động.
Tổng tài sản ngân hàng thường được tính gồm 3 cấu phần: tài sản trên thị trường một (huy động - cho vay dân cư và tổ chức kinh tế), thị trường 2 (giữa các ngân hàng - liên ngân hàng) và ở hoạt động đầu tư.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, vốn tự có của toàn hệ thống đến cuối tháng 4 đạt 530.800 tỷ đồng, tăng 7,02% so với cuối năm ngoái. Báo cáo tài chính quý I/2015 của không ít ngân hàng tiếp tục cho thấy kết quả kinh doanh tương đối sáng sủa do lợi nhuận nhiều nơi tăng. Vốn tự có gồm vốn điều lệ, các quỹ, lợi nhuận chưa chia và đảm bảo cho ngân hàng tránh rủi ro trong kinh doanh. Do đó, việc lợi nhuận tăng sẽ giúp vốn tự có của các ngân hàng tăng.
Trong khi đó, đến 30/4, vốn điều lệ chỉ tăng được 0,73% lên 438.828 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống tiếp tục giữ ở mức 13,62%, cao hơn quy định được Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 9%. Chỉ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và hệ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) toàn hệ thống lần lượt 0,17 và 1,84.