Theo WGC, tổng lượng vàng dự trữ toàn cầu tính đến tháng 12/2012 đạt 31.491 tấn. Mỹ tiếp tục là nước nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhiều ngân hàng trung ương trong năm qua đã tăng cường mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn.


Một số còn cho rằng, khu vực đồng tiền chung eurozone có thể sử dụng vàng như một tài sản thế chấp khi phát hành trái phiếu để giữ lợi suất thấp.


Hội đồng vàng thế giới (WGC) ước tính, các ngân hàng trung ương mua vào khoảng 500 tấn vàng trong năm 2012, so với 465 tấn mua vào năm ngoái. Đây cũng là một yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng năm 2012.


Theo WGC, tổng lượng vàng dự trữ toàn cầu tính đến tháng 12/2012 đạt 31.491 tấn. Dưới đây là danh sách 10 quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất trong năm 2012.


Ghi chú:Hiệp định Vàng của các ngân hàng trung ương (viết tắt là CBGA) nhằm hạn chế doanh số bán vàng hàng năm của các ngân hàng trung ương.


CBGA1 bắt đầu từ 27/9/1999 đến ngày 26 /9/ 2004.


CBGA2 từ ngày 27/9/2004 đến 26/9/2009.


CBGA3 kéo dài 5 năm, bắt đầu từ tháng 9/2009.


10. Ấn Độ

Lượng nắm giữ chính thức: 557,7 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 10,3%

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua vàng từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và coi vàng là một khoản đầu tư an toàn, tuy nhiên nước này ít khi tiết lộ chi tiết kế hoạch mua vàng của họ.


9. Hà Lan

Lượng nắm giữ chính thức: 612,5 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 60,3%

Năm 1999, Hà Lan tuyên bố nước này sẽ bán 300 tấn vàng trong vòng 5 năm dưới khuôn khổ hiệp định CBGA1. Tuy nhiên, cuối cùng Hà Lan chỉ bán được 235 tấn.

Dưới hiệp định CBGA2, nước này cho biết sẽ bán 165 tấn vàng (bao gồm 65 tấn chưa bán từ CBGA1) đồng thời tuyên bố không bán vàng dưới hiệp định CBGA 2.


8. Nhật Bản

Lượng nắm giữ chính thức: 765,2 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 3,3%

Dự trữ vàng của Nhật Bản đạt khoảng 6 tấn vào năm 1950. Sang đến năm 1959, ngân hàng trung ương nước này ghi nhận bước nhảy vọt trong dự trữ vàng khi mua thêm 169 tấn.

Năm 2011, Ngân hàng Nhật Bản đã bán vàng để bơm 20 tỷ yên vào nền kinh tế, nhằm xoa dịu các nhà đầu tư sau thảm họa sóng thần và hạt nhân.


7. Nga

Lượng nắm giữ chính thức: 934,9 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 9,8%

Nga đã xây dựng dự trữ vàng kể từ năm 2006 để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình và giúp đưa đồng rúp trở thành loại tiền tệ dự trữ quốc tế.

Ngân hàng trung ương Nga mua vàng từ thị trường trong nước và bán ra một ít vàng vào tháng 10.


6. Thụy Sĩ

Lượng nắm giữ chính thức: 1.040,1 tấn

Tỷ lệ % vàng trong dự trữ ngoại hối: 11%

Theo WGC, năm 1997, nước này công bố vài đề xuất bán một phần dự trữ vàng vì vàng không còn được coi là “cần thiết cho mục tiêu chính sách tiền tệ” nữa. Dự trữ vàng nước này được cho là dư thừa 1.300 tấn, vì thế Thụy Sĩ đã bắt đầu bán vàng vào tháng 5/2000. Theo đó, 1.170 tấn được bán dưới thời kỳ CBGA1, 130 tấn được bán dưới thời kỳ CBGA2. Nước này chưa công bố kế hoạch bán vàng dưới hiệp định CBGA3.


5. Trung Quốc

Lượng nắm giữ chính thức: 1.054,1 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 1,7%

Vàng vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dự trữ ngoại hối 3,2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, so với mức trung bình của quốc tế là 10%.

Theo Financial Times, việc tăng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối đóng vai trò rất quan trọng với Trung Quốc trong việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và đưa tiền tệ này trở thành một đồng tiền dự trữ.


4. Pháp

Lượng nắm giữ chính thức: 2.435,4 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 72%

Pháp đã bán 572 tấn vàng trong thời kỳ CBGA2. Ngoài thỏa thuận đó, Pháp còn chuyển giao khoảng 17 tấn cho Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vào cuối năm 2004 để thanh toán một phần cổ phần BIS mà nước này mua. Pháp công bố không có kế hoạch bán vàng dưới hiệp định CBGA3.


3. Italia

Lượng nắm giữ chính thức: 2.451,8 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 72,5%

Italia không bán vàng dưới hiệp định CBGA1 hay CBGA2 và cũng thông báo sẽ không bán trong CBGA3. Tuy nhiên năm 2011, các ngân hàng Italy đã tìm đến Ngân hàng trung ương Italia để mua vàng khi cần thiết.


2. Đức

Lượng nắm giữ chính thức: 3.391,3 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 73,2%

Đức đã bán vàng dưới hiệp định CBGA1 và CBGA2 với mục đích đúc tiền xu vàng kỷ niệm. Trong năm đầu tiên của CBGA3 (2008-2009), ngân hàng Bundesbank đã bán được khoảng 6 tấn và từ ngày 7/9/2011 đến nay, nước này đã bán ra 4,7 tấn vàng.


1. Mỹ

Lượng nắm giữ chính thức: 8.133,5 tấn

Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 76,1%

Mỹ là quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới về khối lượng, đạt tổng cộng 20.663 tấn vào năm 1952. Dự trữ vàng nước này lần đầu tiên xuống dưới mốc 10 nghìn tấn vào năm 1969.

Gafin