1.   Sai phạm trong báo cáo tài chính của Bông Bạch Tuyết

Bông Bạch Tuyết là một trong những donh nghiệp gây nhiều chú ý nhất trong năm. Khởi đầu từ việc sai phạm trong lập báo cáo tài chính (từ lỗ thành lãi), cổ phiếu BBT của doanh nghiệp này đã phải tạm ngưng giao dịch một thời gian.

Vụ việc BBT sẽ giúp nhà đầu tư cần có cái nhìn thận trọng hơn khi đón nhận các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về hoạt động kiểm toán tại Việt Nam.

2.   Chủ tịch HĐQT Mía đường La Ngà “ôm” tiền mua cổ phiếu mà không báo cáo

Từ tháng 8/2007 tới tháng 12/2007, ông Phạm Như Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Mía đường La Ngà đã dùng 17,7 tỷ đồng của Công ty để thực hiện mua bán chứng khoán nhưng không hề thông qua HĐQT. Đến tháng 4/2008, khoản đầu tư trên đã thua lỗ nặng do sự đi xuống của thị trường và sự việc bị phát giác gây xôn xao cho các cổ đông cũng như dư luận.

3.    Sự mâu thuẫn giữa quyền lợi “cổ đông lớn” và “cổ đông nhỏ” tại CTCP Dầu thực vật Tường An

Nguyên nhân mấu chốt của sự việc này là sự bất đồng quan điểm trong phương thức nhập khẩu nguyên liệu. Phần lớn nguyên liệu sử dụng trong sản xuất của Tường An được nhập khẩu qua Công ty mẹ Vocarimex. Với 51% tỷ lệ sở hữu, họ có quyền định đoạt phương thức nhập khẩu, quản trị doanh nghiệp.

4.    Cổ phiếu HSC một thời gian dài không giao dịch

Danh hiệu cổ phiếu kém thanh khoản nhất có thể trao tặng cho HSC của CTCP Hacinco. Trong cả năm 2008, cổ phiếu này chỉ có giao dịch trong đúng 10 phiên với tổng lượng giao dịch là 15.700 đơn vị. Kể từ ngày 15/7/2008 đến nay, cổ phiếu này chưa hề được giao dịch một lần nào. Có lẽ các cổ đông nắm giữ cổ phiếu này chỉ muốn nhận cổ tức mà không muốn giao dịch.

5.    DQC chào sàn với giá “ngất ngưởng”

Mức giá tham chiếu trong phiên chào sàn lên tới 290.000 đồng/cp của CTCP Bóng đèn Điện Quang thực sự là một trong những kỷ lục của năm. Ngay phiên giao dịch đầu tiên (21/2/2008), cổ phiếu này đã giảm kịch sàn xuống còn 232.000 đồng và tiếp tục giảm sàn trong 9 phiên tiếp theo.

Cổ phiếu này vẫn liên tục trong xu thế giảm giá từ đó đến nay và lập nên một kỷ lục khác mà không một doanh nghiệp nào mong muốn: cổ phiếu mất giá mạnh nhất trong năm. Những ngày cuối năm, giá một cổ phiếu DQC đang giao động quanh mức 15.000 đồng!

6.    Sacombank đăng ký mua lượng cổ phiếu kỷ lục

Năm 2008, trước sự giảm giá mạnh của các cổ phiếu, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành mua cổ phiếu quỹ. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp chỉ mua lại vài trăm nghìn cổ phiếu thì Sacombank đăng ký mua lại tới 25 triệu đơn vị cổ phiếu STB để làm cổ phiếu quỹ (gần bằng 5% vốn điều lệ) của ngân hàng này). Một số doanh nghiệp khác có tỷ lệ cổ phiếu quỹ chiếm trên 5% vốn điều lệ là ABT (9,9%), KHA (7,93%), VIC (6,58%)…

7.    Số lượng doanh nghiệp thua lỗ tăng mạnh

Trong quý 2 và quý 3, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh thua lỗ. Ngoài những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (chi phí đầu vào gia tăng, đầu ra khó khăn…) thì đã phần các doanh nghiệp lỗ là do phải trích lập các khoản dự phòng đầu tư tài chính do chứng khoán giảm giá. Tính đến hết quý III, lỗ nặng nhất là Công ty Chứng khóa Bảo Việt (BVS) với mức lỗ hơn 300 tỷ đồng. Nhiều công ty cũng lao đao vì các khoản đầu tư tài chính như REE, GMD, MPC…

8.    Những nhận định sai, tin đồn làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp & cổ phiếu

Hàng loạt tin đồn liên tục xuất hiện trong năm 2008 như ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT SSI), bà Phạm Minh Hương (Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect) bị bắt, ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai) bị cấm xuất ngoại vì liên quan đến một số khoản nợ ngân hàng, Công ty chứng khoán VnDirect nộp đơn xin phá sản… Tiếp đến là sự việc Công ty Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh nhận định sai về hoạt động kinh doanh của Itaco…

9.    Nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn

Trong năm, cả hai sàn đã đón nhận thêm nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn lên niêm yết, trong đó có những doanh nghiệp thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như PVFC (PVF - vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng), HAGL (HAG - vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng), Vinaconex (VCG - vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng)… Những cổ phiếu này lên niêm yết đã góp phần làm gia tăng đáng kể quy mô, tính thanh khoản của thị trường.

10.    Ba “ông lớn” tiến hành IPO

Do sự sụt giảm của thị trường, trong năm chỉ có 3 doanh nghiệp lớn tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng là Sabeco, Habeco và Vietinbank.

Được tổ chức không lâu sau đợt IPO của Vietcombank, hai đợt IPO của hai đại gia ngành bia Sabeco và Habeco đã không nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư và lượng cổ phần không được mua hết vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, Habeco có phần may mắn hơn khi cổ đông chiến lược Carlberg mua lại toàn bộ lượng cổ phần không bán được.

Vietinbank tiến hành IPO thành công với toàn bộ lượng cổ phiếu được bán hết có thể xem là điểm nhấn khép lại năm 2008 đầy biến động.

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp