(VINANET) - Theo tổ chức phi chính phủ Chatham House – trụ sở ở London, sự bất ổn ở Trung Đông là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh lương thực trong các nước Ả Rập nằm trong Vùng Vịnh, do hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào những quốc gia này đều phải qua những “nút thắt” hàng hải.

Ông Rob Bailey, tác giả của bài viết cho biết, Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Bahrain, Qatar và Kuwwait  dễ bị tổn thương nhất. Kịch bản tồi tệ nhất là xung đột lan rộng ở Trung Đông sẽ khiến nhiều điểm hàng hải phải đóng cửa trong một thời gian dài.

Các nước thuộc Ủy ban Hợp tác Vùng Vịnh nhập khẩu tới 80-90% tổng nhu cầu lương thực, mà gần như toàn bộ phải qua các tuyến hàng hải là kênh đào Suez, Bab al Mandab hoặc eo biển Hormuz. Tuyến đường quan trọng nhất là kênh đào Suez, nơi mà 81% lúa mì và ngũ cốc thô phải đi qua, 81% gạo nhập khẩu qua eo biển Hormuz, theo số liệu thống kê thương mại năm 2010 được Chatham House dẫn chứng.

"Khi xảy ra xung đột khu vực khiến cả kênh đào Suez và eo biển Hormuz bị đóng cửa thì các chính phủ vùng Vịnh sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn là làm thế nào để có đủ lương thực cho dân chúng của mình”, ông  Bailey nhận định.

Tất cả lương thực nhập khẩu đều đến từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu và Biển Đen thông qua kênh đào Suez, nơi gần đây nhiều phiến quân đã cố gắng phong tỏa bằng việc bắn hỏa tiễn vào các tàu chở container. Kênh đào Suez bị đóng cửa có nghĩa là các chuyến hàng nhập khẩu sẽ phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng.

Trong cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ảrập năm 2011, sự bất ổn liên miên ở Ai Cập và Syria, việc Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz  nếu họ bị tấn công trong bối cảnh căng thẳng với các nước phương Tây leo thang xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran và giá lương thực thế giới tăng vọt đã khiến tình trạng an ninh lương thực của các nước Vùng Vịnh trở nên cực kỳ nguy cấp.

Bất ổn chính trị ở Ai Cập làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của tuyến đường thương mại đi qua Kênh đào Suez suốt hai năm qua. Ai Cập đang đối mặt hàng loạt vụ tấn công tại khu vực Bắc Sinai kéo dài tới phía đông Kênh đào Suez sau khi quân đội lật đổ Tổng thống dân sự đầu tiên Mohamed Morsi hồi tháng 7.

Theo Chatham House, các chính phủ có thể ngăn chặn nguy cơ gián đoạn nguồn cung bằng việc xây dựng các kho dự trữ chiến lược và cải tạo các bến cảng ở khu vực Biển Đỏ của Saudi Arabia và các bờ biển Thái Bình Dương của Bán đảo Arabian. Lương thực sau đó sẽ được vận chuyển tiếp bằng đường sắt.

(T.H – Bloomberg, Reuters)