Các thương gia Ấn Độ đang giảm giá gạo theo Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Chi phí cho chương trình thế chấp gạo quá lớn có thể buộc Thái Lan phải bán gạo bằng mọi giá.

Giá gạo châu Á tuần này tương đối ổn định trong bối cảnh nguồn cung tăng trên toàn khu vực. Không chỉ Thái Lan nắm giữ lượng gạo tồn trữ khổng lồ mà ở Ấn Độ cũng tăng lên khoảng trên 34 triệu tấn trong năm nay, gần gấp đôi mức tồn trữ của Thái lan.

Nhưng các chuyên gia cho rằng mọi thứ đang thay đổi và giá có thể sẽ bắt đầu giảm.

Gạo 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức giá 565-570 USD/tấn, hầu như không thay đổi so với một tuần trước đó.

Biên độ dao động giá gạo Thái Lan trong hơn 40 tháng qua ở mức 400-620 USD/tấn, không biến động quá mạnh mặc dù lo ngại về chương trình can thiệp do Thủ tướng Yingluck Shinawatra khởi xướng khi bà đắc cử, sau khi vọt lên mạnh trong giai đoạn 2008-09 và sau đó là suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong cùng giai đoạn đó, xuất khẩu gạo Thái lan đã giảm từ khoảng 10 triệu tấn mỗi năm xuống dưới 7 triệu tấn năm 2012, bởi chính phủ lựa chọn giải pháp tồn trữ hơn là bán gạo với giá rẻ hơn giá mà chính phủ thu mua của nông dân theo chương trình tạm trữ.

Thái Lan hiện có khoảng 17 triệu tấn gạo dự trữ và khối lượng có thể tăng vượt 20 triệu tấn trong vài tháng tới.

Rõ ràng chính phủ Thái Lan không lựa chọn giải pháp bán gạo trong kho với giá rẻ, nhưng ngay cả giá gạo Việt Nam cũng tương đối ổn định trong mấy năm gần đây.

Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua giá khoảng 405-415 USD/tấn, và từ tháng 10-2008 tới nay dao động trong khoảng 345-585 USD/tấn.

Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá gạo Việt Nam so với gạo Thái Lan hiện đã lên tới 170 USD/tấn, gần cao kỷ lục.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy giá gạo châu Á cuối cùng cũng sẽ giảm do cung quá nhiều. Giá gạo Việt Nam hiện là chỉ báo về các điều kiện thị trường tốt hơn so với gạo thái Lan, bởi giá gạo Thái bị chương trình can thiệp của chính phủ bóp méo.

Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 7,5 – 7,6 triệu tấn gạo trong năm 2013, giảm nhẹ so với kỷ lục 7,72 triệu tấn năm ngoái.

Nhưng theo thống kê của Chính phủ thì trong 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo đã lên tới 844.000 tấn, cao hơn khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ấn Độ, quốc gia đã vươn lên vị trí nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới năm vừa qua, cũng sẽ tăng xuất khẩu trong năm nay, mặc dù việc xuất khẩu gặp khó khăn do hạ tầng cơ sở ở các cảng biển cũng như đường sắt yếu kém.

Các thương gia Ấn Độ cũng cho biết họ đang giảm giá theo Việt Nam, Pakistan và Myanmar, một dấu hiệu khác cho thấy giá gạo châu Á cuối cùng cũng bắt đầu phản ánh thực tế nguồn cung.

Thái Lan đang nỗ lực bán gạo, và các nhà lãnh đạo nước này cho biết họ sẽ bán 7 triệu tấn gạo trong năm nay theo các hợp đồng liên chính phủ, nhưng chính phủ Thái đang bị mất uy tín, sau những thông báo về việc khách hàng từ chối mua.

Tuy nhiên, do chi phí cho chương trình can thiệp quá lớn, chắc chắn chính phủ sẽ phải tích cực hơn để bán được gạo, ngay cả khi bán thấp hơn giá mua.

Nếu Thái Lan tăng xuất khẩu gạo, và Ấn Độ duy trì được mức xuất khẩu như năm ngoái, nguồn cung ra thị trường thế giới sẽ tăng lên. Đó là chưa kể tới việc Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới, và Myanmar, nước xuất khẩu lớn thứ 9 thế giới, cũng tăng xuất khẩu.

Về nhu cầu, các khách hàng lớn như Indonesia và Philippine đều đang nỗ lực đạt tự cung tự cấp lúa gạo, nên chỉ còn Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy thị trường.

Nhập khẩu gạo vào Trung Quốc năm qua đã tăng 306% lên 2,34 triệu tấn, trong đó những nước xuất khẩu được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam và Pakistan chứ không phải Thái Lan.

Nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng trong tháng 1, tăng 732% lên 303.963 tấn, với 89% từ Việt Nam và Pakistan.

Trung Quốc đang nhập khẩu gạo vì giá rẻ hơn nguồn cung trong nước, nhưng chưa chắc liệu điều này có tiếp diễn từ nay tới cuối năm hay không, vì được biết Trung Quốc có lượng dự trữ đủ dùng.

Nếu Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu với tốc độ như mấy tháng gần đây, đó sẽ là yếu tố hỗ trợ giá gạo châu Á, nhưng ngay cả khi đó thì nguồn cung bổ sung đến thị trường cũng sẽ dư sức đáp ứng bất cứ lượng nhu cầu tăng nào.

(theo CafeF)