(VINANET) - Giá gạo thế giới tiếp tục giảm do nhu cầu yếu. Gạo Thái Lan giảm mhất bởi đồng baht xuống giá và áp lực xả hàng tồn kho lớn. Chính phủ Thái Lan quyết định giảm 20% giá thu mua hỗ trợ cho nông dân sẽ tạo cơ hội cho giá gạo Thái Lan giảm hơn nữa.

            Campuchia và Myanmar nổi bật trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, tạo thêm áp lực cạnh tranh giành thị phần cho các nhà xuất khẩu.

            Indonesia, Philippine và Malaysia – những nhà nhập khẩu gạo truyền thống – vẫn vắng bóng trên thị trường.

            Trung Quốc duy trì giá hỗ trợ tối thiểu lúa cao hơn so với các nước châu Á khác để khích lệ sản xuất. Đây tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn và rất giỏi mặc cả giảm giá bằng mọi biện pháp, và sẵn sàng hủy hợp đồng khi thấy giá giảm mạnh.

Châu Phi tiếp tục nỗ lực tăng sản lượng lúa gạo nội địa bằng cả sự đầu tư trong nước và ngoài nước.       

I.                   Diễn biến giá:

Tháng 6/2013 giá gạo châu Á tiếp tục vững đến giảm, mạnh nhất là gạo Thái, giảm khoảng 25 USD/tấn, nhờ đồng baht giảm giá tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu giảm giá chào tính theo USD.

Gạo 5% tấm của Thái lan giá giảm giảm xuống 530 USD/tấn vào cuối tháng 6/3013 từ mức 550 USD/tấn cuối tháng 5. Gạo cùng loại của Việt Nam giá giảm nhẹ từ mức 370-375 USD/tấn xuống 365-370 USD/tấn, trong khi gạo Pakistan và Ấn Độ duy trì ở mức lần lượt 440 USD/tấn và 445 USD/tấn.

Trên thế giới có 2 xu hướng giá gạo rõ rệt trái chiều nhau: Tăng ở châu Mỹ nhưng lại giảm ở châu Á.

Khoảng cách giữa giá gạo châu Á và gạo châu Mỹ tiếp tục gia tăng bởi trong khi gạo Hoa Kỳ và Nam Mỹ tăng khoảng 8% trong 12 tháng qua thì gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm khoảng 7%, gạo Pakistan giảm khoảng 2%. Riêng gạo Ấn Độ tăng khoảng 4% trong năm qua.

Trong khi giá gạo Thái lan tiếp tục giảm và tiệm cận với các loại gạo châu Á khác thì gạo Hoa Kỳ vẫn duy trì ở mức cao, cao hơn khoảng 95 USD/tấn so với gạo Thái Lan, với loại 4% của Hoa Kỳ hiện khoảng 595 USD/tấn, so với mức chỉ khoảng 500 USD/tấn của Thái. Gạo Nam Mỹ thậm chí còn cao hơn nữa, với gạo Uruguay/Argentina loại 5% tấm hiện khoảng 630 USD/tấn.

Gạo Việt Nam vẫn ở vị trí rẻ nhất châu Á, hiện quanh mức thấp nhất gần 3 năm, bởi giá gạo trong nước tiếp tục giảm, mặc dù áp dụng các chương trình thu mua tạm trữ. Trung tuần tháng 6/32013 Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.850 - 4.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.100 - 5.200 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.500 - 6.600 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.100 - 6.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 7.400 - 7.500 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.150 - 7.250 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.900 - 7.000 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu năm 2013 ở ĐBSCL từ ngày 15/6/2013 đến hết ngày 31/7/2013. Cụ thể, mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc: gạo là 2:1; loại thóc, gạo mua tạm trữ gồm thóc, gạo thường và thóc, gạo thơm.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam áp giá sàn gạo 25% tấm là 365 USD/tấn và giảm giá sàn gạo 35% đi 1,4% xuống 360 USD/tấn (FOB).

            Giá gạo Thái Lan có xu hướng giảm từ tháng 5/2012, giảm gần 100 USD/tấn hay 16% kể từ thời điểm đó. Riêng trong tháng 6/2013 gạo Thái giảm giá khoảng 25 USD/tấn. Mặc dù vậy giá gạo Thái lan vẫn cao hơn khoảng 40 USD/tấn so với gạo Pakistan, khoảng 55 USD/tấn so với gạo Ấn Độ và khoảng 120 USD/tấn so với gạo Việt Nam.

      Gạo xuất khẩu của Ấn Độ không giảm giá như các xuất xứ khác, bởi giá gạo nội địa cao. Chỉ số giá bán buôn gạo trung bình tại Ấn Độ tháng 5/2013 vững ở mức khoảng 2.619 rupee/tạ (khoảng 471 USD/tấn) tính tới 28/5/2013, tăng khoảng 12% tính theo bản tệ và 13% tính theo USD so với khoảng 2.332 rupee/tạ (khoảng 416 USD/tấn) tháng 5/2012, theo nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ. So sánh với tháng trước đó, giá gạo trung bình tính theo bản tệ trong tháng 5 tăng khoảng 4% (tăng 2% tính theo USD) so với mức khoảng 2.513 rupee/tạ (khoảng 462 USD/tấn) tháng 4/2013.

Tại Delhi và một số bang miền đông bắc, giá tăng khoảng 5% đến 10% tính theo bản tệ kể từ tháng 5 năm ngoái, trong khi giá bán buôn trung bình tăng khoảng 15% - 25% tính theo rupee ở nhiều bang khác. Tại Kerala giá tăng mạnh nhất, tăng khoảng 45% tính theo bản tệ, từ mức 2.615 rupee/tạ lên khoảng 3.800 rupee/tạ (685 USD/tấn).

II. Tình hình xuất khẩu

Vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lúa gạo tháng 6/2013 là động thái giảm 20% giá thu mua lúa gạo can thiệp của chính phủ Thái lan – điều có thể khiến giá gạo thế giới giảm khá mạnh trong những tháng tới.

Thái Lan trở thành điểm nóng trên thị trường lúa gạo tháng 6 với động thái giảm 20% giá thu mua lúa gạo can thiệp của chính phủ Thái lan bắt đầu từ tháng 7/2013, đồng thời thông báo có thể giảm khối lượng thu mua.

Theo Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom, chính phủ sẽ thanh toán 12.000 baht (390 USD)/tấn lúa kể từ 7/1/2013, giảm so với mức 15.000 baht (490 USD/tấn) áp dụng suốt từ tháng 10/2011.

Trong giai đoạn 1/1 đến 10/6/2013, xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đạt 1,58 triệu tấn. Với tiến độ đó, xuất khẩu cả năm 2013 sẽ chỉ đạt khoảng 3-4 triệu tấn, tức là chỉ bằng một nửa của 6,9 triệu tấn năm 2012 và một phần ba của 10,6 triệu tấn năm 2011. Tuy nhiên, với động thái giảm giá thu mua cộng với tỷ giá đồng baht so với USD giảm trở lại sau khi tăng mạnh những tháng đầu năm, dự báo thị trường gạo Thái lan sẽ sôi động trở lại trong những tháng tới, mặc dù tổng xuất khẩu năm 2013 khó có thể đạt mức như những năm trước. Việc chính phủ giảm giá thu mua lúa gạo có thể khiến giá gạo thế giới giảm khá mạnh trong những tháng tới.

Thái Lan dự kiến sản xuất 27,5 triệu tấn lúa trong vụ 2013/14, tăng 2,2% so với vụ trước bởi giá can thiệp cao khích lệ nông dân gia tăng trồng lúa. Chính phủ hiện còn khoảng 17 triệu tấn lúa trong kho dự trữ, và có thể sẽ phải bán chấp nhận lỗ.

Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 4,05 triệu tấn gạo trong giai đoạn tháng 1-5/2013, giảm khoảng 13% so với khoảng 4,67 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Hiện miền Bắc Ấn Độ đang bị mưa lụt lớn, gây thiệt hại hàng nghìn ha lúa thơm. Nếu diễn biến thời tiết trong những ngày tới không cải thiện, sản lượng và xuất khẩu lúa Ấn Độ năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Giá gạo bán buôn trung bình ở Ấn Độ trung tuần tháng 6 đạt 2.777 rupee/tạ (khoảng 457 USD/tấn, theo tỷ giá hiện hành), tăng khoảng 22% so với mức 2.283 rupee/tạ (khoảng 410 USD tấn, theo tỷ giá hối đoái lịch sử) trong tháng 6/2012, theo nguồn tin chính thức. So với tháng trước, giá gạo bán buôn trung bình trong tháng 6/2013 tăng khoảng 4%. Thương nhân gạo địa phương nói rằng giá sẽ tiếp tục tăng cho đến khi vụ thu hoạch mới bắt đầu vào tháng 10 đến tháng 11.

Việt Nam đã xuất khẩu được 2,969 triệu tấn gạo tính từ đầu năm 2013 đến ngày 13/6/2013, trị giá FOB 1,285 tỷ USD, trị giá CIF 1,350 tỷ USD.

Trong tháng 6, xuất khẩu gạo cả nước ước đạt 649 ngàn tấn, giá trị đạt 289 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt xấp xỉ 3,57 triệu tấn, giá trị đạt 1,58 tỷ USD. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu gạo giảm 6,8% về khối lượng và giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn duy trì là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh đạt 1,135 triệu tấn với trị giá đạt xấp xỉ 472,4 triệu USD, tăng 27,8% về khối lượng và tăng 24,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Pakistan xuất khẩu 2,83 triệu tấn gạo trong giai đoạn tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, giảm khoảng 16% so với cùng kỳ năm trước đó, do xuất khẩu gạo basmati giảm. 

Campuchia đã xuất khẩu 28.350 tấn gạo trong tháng 5/2013, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay lên 146.854 tấn, tăng 127% so với 64.851 tấn cùng kỳ năm ngoái. Với đà này, xuất khẩu gạo Campuchia có thể đạt khoảng 350.000 tấn trong năm nay, tăng so với 205.717 tấn năm 2012. Những khách hàng mua gạo chủ chốt của Campuchia là Pháp, Ba Lan, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc. Gạo Campuchia xuất sang Liên minh Châu Âu (EU) có mức thuế 0% nên xuất khẩu sang EU tăng rất mạnh.

III.             Tình hình nhập khẩu

Tháng 6 nhu cầu nhập khẩu nhìn chung yếu. Một số khách hàng ký hợp đồng mua trong tháng qua đến từ Trung Quốc và châu Phi. Triển vọng xuất khẩu trong những tháng tới sẽ vẫn trì trệ, bởi những nước nhập khẩu lớn năm nay tăng sản lượng lúa nội địa nên sẽ giảm nhập khẩu.

Nigeria là nước sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi, năm nay sẽ có sản lượng dự kiến cao kỷ lục 3,1 triệu tấn, tức là tăng 31% với năm trước. Như vậy chắc chắn nước này sẽ giảm mạnh nhập khẩu từ mức kỷ lục 3,4 triệu tấn năm 2011-12 xuống chỉ khoảng 2,4 triệu tấn trong năm 2012-13 cũng như 2013-14 (giảm khoảng 30%).

 

Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều gạo trong năm 2013, bởi chênh lệch giá trong và ngoài nước vẫn rất lớn.

 

 

IV. Dự báo

Trong vài tháng tới, thị trường sẽ tập trung vào ba vấn đề chính: :

Thái Lan với động thái giảm giá thu mua gạo mới đây theo chương trình thu mua can thiệp và khả năng xuất gạo dự trữ ra với khối lượng lớn;

Ấn Độ với kế hoạch mở rộng chương trình phân phối gạo trợ cấp – có thể ảnh hưởng tới nguồn cung và giá gạo xuất khẩu.

Trung Quốc: Về việc nhập khẩu gạo vào Trung Quốc rất khó đoán định, bởi nước này mới nổi lên thành một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới từ năm ngoái, và hoạt động mua thất thường không theo quy luật. Tuy nhiên, nếu giá giảm nhiều chắc chắn Trung Quốc sẽ mua vào, bởi giá gạo tại thị trường nội địa Trung Quốc rất cao chứng tỏ thị trường vẫn thiếu cung.

Phân tích thị trường lúa gạo ngắn hạn cho thấy nguồn cung ra thị trường thế giới sắp tới sẽ gia tăng từ Thái Lan sau khi nước này giảm giá và quy mô chương trình can thiệp hỗ trợ tăng thu nhập cho nông dân. Nguồn cung từ Ấn Độ năm nay có thể giảm nhẹ so với năm ngoái, nhưng vẫn ở mức rất cao, đủ để chính phủ nước này tiếp tục xuất khẩu gạo. Nguồn cung từ các nước nhập khẩu truyền thống cũng đang gia tăng.

Về phía nhu cầu, hy vọng nhu cầu cao năm nay chủ yếu tập trung vào Trung Quốc và một số nước châu Phi. Xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục đạt khối lượng cao, nhưng không được giá, bởi nước này rất khôn ngoan trong việc mua bán, luôn đạt được mức giá thấp nhất.

PHỤ LỤC

Báo cáo tháng 6/2013 của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc – Phần triển vọng thị trường lúa gạo thế giới

 SẢN LƯƠNG: Theo đánh giá sơ bộ, sản lượng gạo thế giới năm 2013 sẽ tăng

Sản lượng gạo thế giới năm 2013 dự báo đạt 499,1 triệu tấn, cao hơn 1,9% hay 9 triệu tấn so với mức 490 triệu tấn của năm 2012 nhưng thấp hơn các năm 2010 và 2011 bởi nguồn cung gạo thế giới dư thừa gây giảm giá, làm giảm thu nhập từ việc trồng lúa.

Nguồn cung gạo thế giới năm nay vẫn dồi dào bởi nhiều chính phủ, nhất là ở châu Á, thực hiện các chương trình hỗ trợ giá gạo để duy trì thu nhập cho người trồng lúa, ngăn giá thế giới giảm mạnh.

Với điều kiện thời tiết bình thường, sản lượng ở châu Á dự báo sẽ tăng 1,9% hay 8,6 triệu tấn lên 453 triệu tấn năm 2013. Sản lượng của Ấn Độ dự báo sẽ đạt 98 triệu tấn, nhưng nếu thời tiết trong mùa mưa thuận lợi thì sản lượng có thể cao hơn 2% lên 106 triệu tấn, chủ yếu nhờ các bang miền đông tăng sản lượng theo chương trình “Phát triển Cách mạng Xanh ở các bang miền Đông”. Các chương trình tăng giá thu mua lúa chính thức và/hoặc các biện pháp hỗ trợ khác dự báo sẽ tiếp tục góp phần đầy tăng sản lượng, nhất là ở Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippine. Như vậy, sản lượng của hầu hết các nước sản xuất đều tăng, ngoại trừ Nhật Bản có thể không bằng năm ngoái – năm mà thời tiết rất thuận lợi, và Việt Nam – nơi dự báo chíh thực sả lượng năm nay sẽ giảm nhẹ.

Sản lượng của châu Phi năm 2013 dự báo đạt 18,1 triệu tấn, cao hơn 3,9% so với năm 2012, nhờ sản lượng tăng mạnh ở Ai Cập, Mali, Nigeria Tanzania. Ở Ai Cập, quyết định gần đây về viecj tăng diện tích trồng lúa để nâng sản lượng thêm 4% sẽ làm gia tăng sản lượng. Đầu tư lớn vào lĩnh vực này cũng sẽ hỗ trợ sản xuất ở Tây và Đông Phi. Tuy nhiên, triển vọng không khả quan ở MadagascarMozambique, nơi bị lũ lụt có thể khiến sản lượng giảm 15% so với năm ngoái.

Tại Mỹ LatinhCaribe, vụ 2013 đang được thu hoạch, với sản lượng dự kiến hồi phục lên 18,5 triệu tấn, nhưng vẫn không bằng mức cao kỷ lục của năm 2011, bởi nhiều nhà sản xuất giảm diện tích tròng lúa để trồng những loại cây khác cho lợi nhuận cao hơn.

Ở những khu vực khác, triển vọng năm 2013 khả quan ở Australia, nơi Chính phủ dự báo sẽ tăng 15%, nhưng sẽ giảm ở Hoa KỳEU, nơi thời tiết xấu và dự báo giá thấp khiến diện tích trồng lúa giảm.

 MẬU DỊCH

Nhu cầu nhập khẩu yếu khiến mậu dịch gạo thế giới dự báo giảm 2% năm 2013 so với năm 2012

Trong báo cáo tháng 6, FAO đã điều chỉnh mức dự báo về mậu dịch gạo thế giới năm 2013 tăng 200.000 tấn lên 37,6 triệu tấn, nhờ nhập khẩu vào Trung Quốc dự báo sẽ tăng. Về nguồn cung, xuất khẩu từ Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam dự báo sẽ tăng, bù lại cho xuất khẩu giảm từ Thái lan và Hoa Kỳ.

So với mức kỷ lục năm 2012, khối lượng mậu dịch gạo năm 2013 sẽ giảm 2,6%, nhưng vẫn cao kỷ lục thứ 2 trong lịch sử. Mậu dịch gạo thế giới hiện chiếm 8% sản lượng toàn cầu, tăng từ mức dưới 7% của thập niên trước.

Nhập khẩu gạo vào Indonesia, Nigeria, Phippine Thái lan dự báo sẽ giảm, bởi sản lượng trong nước bội thu 3 năm liên tiếp và những nỗ lực ngăn chặn nhập khảu gạo lậu. Nhập khẩu vào CH Hồi giáo Iran Ai Cập có thể cũng giảm, sau khi họ đã mua nhiều trong năm qua – có thể để làm đầy kho dự trữ. Mặt khác, nhập khẩu vào Trung Quốc dự báo vẫn bằng mức 2,4 triệu tấn năm ngoái, bởi giá trong nước vẫn cao hơn nhiều so với các nước xuất khẩu lan cận, khiến gạo nhập khẩu đặc biệt hấp dẫn. Số liệu về nhập khẩu của Trung Quốc sẽ có độ chính xác không cao, bởi ngoài lượng nhập khẩu chính thức còn lượng nhập khẩu phi chính thức – khối lượng lớn và không ngừng tăng lên.

Về xuất khẩu, Ấn Độ dự kiến sẽ xuất khẩu 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2013, thấp hơn mức 10,3 triệu tấn năm 2012, nhưng vẫn đủ để duy trì vị trí nước xuất khẩu hàng đầu trong số các nhà cung cấp quốc tế. Xuất khẩu của Ấn Độ giảm phản ánh giá ở Ấn Độ tăng và nhu cầu trong nước cũng tăng. Đạo luật An ninh Lương thực Quốc gia đảm bảo nguồn cung gạo giá rẻ cho dân chúng. Giảm cung cũng sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Argentina, Brazil Uruguay. Phần lớn sự giảm sút này dự báo sẽ được bù đắp bởi Việt Nam, nơi xuất khẩu dự báo sẽ tăng 6% lên 8,2 triệu tấn. Ai Cập, Pakistan Mỹ dự báo cũng sẽ tăng cường xuất khẩu.

Trong số các nước xuất khẩu khác, Thái Lan dự báo sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, tương tự như năm ngoái, bởi giá thu mua của chính phủ cao khiến giá xuất khẩu cao hơn so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, xuất khẩu từ Thái Lan có thể sẽ hồi phục mạnh sau việc giảm 20% giá thu mua can thiệp, và trong kho còn lượng dự trữ khổng lồ. Việc Thái Lan tăng cường xuất kho dự trữ sẽ làm gia tăng áp lực giảm giá.

 Trong vài tháng tới, thị trường sẽ tập trung vào hai điểm đáng chú ý: Thái Lan với động thái giảm giá thu mua gạo mới đây theo chương trình thu mua can thiệp và khả năng xuất gạo dự trữ ra với khối lượng lớn, và Ấn Độ với kế hoạch mở rộng chương trình phân phối gạo trợ cấp – có thể ảnh hưởng tới nguồn cung và giá gạo xuất khẩu. Về việc nhập khẩu gạo vào Trung Quốc rất khó đoán định, bởi nước này mới nổi lên thành một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới từ năm ngoái, và hoạt động mua thất thường không theo quy luật.

(Vinanet.com.vn)